Lâu lắm rồi gia đình chị Huyên chưa biết đến mùi vị miếng thịt hay con cá. Cuộc sống gia đình chị cứ thế trôi đi lặng lẽ giữa những bữa cơm trắng với cái nghèo bền vững nơi bìa rừng lạnh lẽo.

Nỗi thống khổ của gia đình người phụ nữ trầm cảm trong ngôi nhà rách nát

 Ngôi nhà gia đình chị Hoàng Thị Huyên, thôn Nông Tiến 2, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang nằm nép mình dưới chân những quả núi sừng sừng của thôn. Gọi là ngôi nhà hay túp lều có lẽ đều là những từ xa xỉ dành cho gia đình chị.

Ám ảnh cuộc sống gia đình người phụ nữ trầm cảm nơi bìa rừng - 1

Ngôi nhà chị Huyên được lợp bằng mái gianh, tường đan bằng những tấm liếp tre, mối một đã lâu ngày (Ảnh: Mạnh Dũng).

Từ xa, mái ranh thấp le te thoáng hiện phía sau lùm tre, đấy là nhà của vợ chồng chị Huyên. Chúng tôi đến nhà chị lúc mặt trời đã tắt nắng. Những ngọn núi quanh nhà đen sậm lại như đè nặng lên ngôi nhà. Chúng tôi bước vào trong nhà với thứ ánh sáng lờ mờ của bóng điện không đủ sáng và ngọn lửa bập bùng của bếp củi vửa được nhen lên.

Toàn bộ tường nhà được làm bằng tấm liếp đan bởi những thanh tre đã lâu ngày, mối mọt. Bức tường cũng hở thông thống cho giò lùa và mặc cho những loài bò sát quanh nhà ghé thăm.

Ám ảnh cuộc sống gia đình người phụ nữ trầm cảm nơi bìa rừng - 2

Trong gian bếp buổi chiều tà, chị Huyên ngồi đun siêu nước. Cạnh bếp là nồi cơm đang được ủ tro nóng chờ chồng về. Bữa tối gia đình chị hôm nay cũng chỉ có nồi cơm nóng và ít nước mắm (Ảnh: Mạnh Dũng).

Trong nhà chị ngoài cái bếp củi, 2 tấm phản kê làm giường ngủ, cái bàn gỗ mọt thủng lỗ chỗ cùng vài cái chén cáu bẩn thì chẳng có nối thứ gì đáng giá vài trăm nghìn đồng.

Chị Huyên không trực tiếp nói chuyện với chúng tôi, bởi chị không rành tiếng Kinh. Thỉnh thoản chị cười cười và nói những câu bâng quơ bằng tiếng dân tộc chẳng ý nghĩa. Thấy những vị khách lạ tới nhà, chị Huyên bước vội vào trong bếp. Trong gian bếp trống huếch trống hoác với mấy cái chảo, nồi lâu ngày không dùng để mốc meo.

Trên bếp, chị Huyên đang đặt siêu nước và ủ nồi cơm tro nóng. Tối nay, bữa cơm của vợ chồng chị cũng chỉ có ít nước mắm.

Ám ảnh cuộc sống gia đình người phụ nữ trầm cảm nơi bìa rừng - 3

Ngày qua ngày chị Huyên chỉ lủi thủi quanh quẩn trong gian bếp trống huếch, trống hoác (Ảnh: Mạnh Dũng).

Ông Nguyễn Văn Quế, Bí thư, Trưởng thôn Nông Tiến 2, đồng thời cũng là người bác ruột của chị Huyên kể rằng: Chị Huyên (SN 1982) và chồng là anh Quan Văn Biên (SN 1981), cả 2 vợ chồng đều là người dân tộc Tày. Ngôi nhà của vợ chồng chị Huyên được gia đình làm cho ra ở riêng sau khi cưới nhau.

 Gia đình thuộc diện hộ nghèo bền vững

Theo lời kể của ông Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, "thời con gái chị Huyên là người phụ nữ thông minh, nết na trong thôn. Nhưng hoàn cảnh gia đình nghèo quá, chị phải nghỉ học giữa chừng.

Ám ảnh cuộc sống gia đình người phụ nữ trầm cảm nơi bìa rừng - 4

Đây là nơi để thóc nhà chị, nhưng trong nhà chị Huyên giờ không còn một hạt thóc. Cuộc sống vợ chồng chị chủ yếu dựa vào đồng tiền trợ cấp hơn 500 nghìn đồng/tháng (Ảnh: Mạnh Dũng).

Lập gia đình, năm 2007 chị Huyên sinh được cậu con trai. Sau lần sinh con ấy chị Huyên bắt đầu có những dấu hiệu của người bị thần kinh trầm cảm. Chồng chị Huyên cũng là người đàn ông chậm trí nhớ, cả ngày chẳng nói, chẳng rằng, ai bảo gì làm nấy.

"ít năm sau chị Huyên lại mong muốn được làm mẹ thêm lần nữa và lần này vợ chồng chị cũng sinh được cậu con trai. Nhưng do chị bị trầm cảm sau sinh nên chị đã vô tình để mất cậu con trai thứ 2".

Ám ảnh cuộc sống gia đình người phụ nữ trầm cảm nơi bìa rừng - 5

Vợ chồng chị Huyên tiếp chúng tôi nơi chiếc bàn uống nước đã mối mọt thủng lỗ chỗ (Ảnh: Mạnh Dũng).

Ám ảnh cuộc sống gia đình người phụ nữ trầm cảm nơi bìa rừng - 6

Chị Huyên hiện đang phải điều trị bệnh tâm thần. Chị chủ yếu nói chuyện bằng tiếng dân tộc, vì vậy cuộc trò chuyện của tôi với chị phải thông qua lời dịch của ông Nguyễn Văn Quế (đeo kính), Bí thư, Trưởng thôn Nông Tiến 2 và cũng là bác họ của chị Huyên (Ảnh: Mạnh Dũng).

Nỗi khổ trong cuộc sống cộng với nỗi đau mất con, khiến cho bệnh tình của chị Huyên ngày càng nặng thêm. Sau đó, gia đình đưa chị Huyên đi viện điều trị bệnh trầm cảm. Đến nay, chị Huyên vẫn thường xuyên dùng thuốc thần kinh.

Vị Chủ tịch UBND xã kể tiếp, "vợ chồng chị Huyên có thêm cậu con trai thứ 3 hiện đang học mẫu giáo, nhưng phải nhờ người em gái "nuôi bộ" từ nhiều năm nay. Nhà trường cũng miến toàn bộ học phí cho cháu. Còn cậu con trai cả đang học lớp 11 trường PTDT bán trú tại địa phương cũng được nhà trường hỗ trợ học phí".

Ông Sử cho biết thêm, vào thời điểm thời tiết bình thường và có thuốc dùng thường xuyên thì sức khỏe của chị Huyên ổn định hơn. Còn những đợt nắng nóng thì chị Huyên lại phát bệnh. Mỗi lần phát bệnh như thế chị Huyên lại ra đường chặn mọi người và đuổi đánh, nên nhiều người trong thôn đều tỏ ra ái ngại. Đề phòng những lúc chị phát bệnh, gia đình phải cất hết dao đi vì sợ chị gây án mạng.

"Gia đình chị Huyên thuộc diện hộ nghèo bền vững. Cả 2 vợ chồng đều có vấn đề về thần kinh và không có khả năng lao động. Anh chồng thỉnh thoảng có người bảo đi xách vữa thuê cũng chỉ để kiếm miếng ăn qua ngày", vị Chủ tịch xã nói.

Ông Sử cho biết, "ở địa phương ngoài số tiền trợ cấp hơn 500 nghìn đồng hằng tháng theo chế độ, thì cũng chỉ những dịp lễ, tết mới có quà hỗ trợ gia đình chị Huyên. Hoặc khi nào có đoàn từ thiện về xã thì gia đình chị Huyên luôn được xã ưu tiên xếp đầu bảng nhận quà ủng hộ".

Ám ảnh cuộc sống gia đình người phụ nữ trầm cảm nơi bìa rừng - 7

Khi chúng tôi rời đi, cũng là lúc chị Huyên bắt đầu chuẩn bị bữa cơm tối cho 2 miệng ăn trong gia đình (Ảnh: Mạnh Dũng).

"Địa phương còn rất nhiều khó khăn, hiện tại vẫn còn 178 căn nhà tạm, nhà dột nát cần phải sửa chữa và xây mới. Trong đó có 57 ngôi nhà thuộc hộ gia đình nghèo không có khả năng lao động, hoặc rất hạn chế trong lao động, không có khả năng làm nhà. Vì thế thông qua báo Dân trí chúng tôi mong muốn bạn đọc và các nhà hảo tâm, quan tâm giúp đỡ gia đình chị Huyên và những hộ dân nghèo trong xã, sớm có những ngôi nhà khang trang, ổng định cuộc sống", Chủ tịch UBND xã Seo Văn Sử mong muốn.

Hưởng ứng mục tiêu của Chính phủ đến cuối năm 2025, đầu năm 2026 cả nước cơ bản không còn nhà tạm, nhà dột nát,báo Dân trí triển khai Chương trình Xóa 100 căn nhà tạm, nhà dột nát, tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng lao động trên cả nước.

Mục tiêu của báo Dân trí đề ra mỗi hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tối thiểu 50 triệu đồng từ nguồn tiền ủng hộ của bạn đọc, mạnh thường quân trong nước và nước ngoài.

Chương trình đặt ra tiêu chí mỗi ngôi nhà "3 cứng" đều có sự chung tay của chính quyền địa phương, bạn đọc, mạnh thường quân đồng hành cùng báo Dân trí.

Mã số 5213:

Ám ảnh cuộc sống gia đình người phụ nữ trầm cảm nơi bìa rừng

12/05/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí