Hoàng Đăng Nghiễm đưa vải bố, chỉ may vào tác phẩm nghệ thuật

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm dùng vải bố, jeans, chỉ may... sáng tác nên 22 tác phẩm độc đáo.

Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm tổ chức triển lãm với chủ đề "Đường kim mũi chỉ" từ ngày 13 đến 31/5 tại TPHCM, với 22 tác phẩm. Khác với các tác phẩm nghệ thuật thông thường, họa sĩ tạo dấu ấn riêng khi mang đến 22 tác phẩm được làm từ vải bố, jeans, chỉ may...

Hoàng Đăng Nghiễm đưa vải bố, chỉ may vào tác phẩm nghệ thuật - 1

Các tác phẩm làm từ bao bố, chỉ may của Hoàng Đăng Nghiễm (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Hoàng Đăng Nghiễm cho biết ý tưởng này của ông xuất phát từ mong muốn giữ gìn loại vải bố trước nguy cơ mai một. Họa sĩ nung nấu ý định thực hiện từ 15 năm trước, tuy nhiên, giai đoạn tích cực nghiên cứu là cách đây 8 năm. 

Hoàng Đăng Nghiễm đã dùng kỹ thuật "vẽ" ít giống ai để xóa nhòa khoảng cách về vật liệu và chất liệu trên tác phẩm, biến vật liệu trở thành chất liệu và ngược lại. 

"Mỗi mũi khâu là một sự kết nối, sự chữa lành, là nhịp tim, là hơi thở. Giống như tôi đang kể câu chuyện của bản thân, thao tác của tôi khi làm những tác phẩm này cũng mang tính thiền định. Đó là khâu vá những đứt gãy của các sợi dệt chữ thập, hàn gắn những rạn nứt tâm hồn và trân trọng những giá trị còn sót lại", họa sĩ nói. 

Hoàng Đăng Nghiễm đưa vải bố, chỉ may vào tác phẩm nghệ thuật - 2

Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Hoàng Đăng Nghiễm sử dụng phương pháp nhuộm màu thủ công cho tác phẩm của mình. Kỹ thuật nhuộm này được anh học hỏi từ người H'mông ở Sapa, Tây Nguyên... Màu sắc sử dụng cho 22 tác phẩm chủ yếu lấy từ thực vật, thân, rễ của cây rừng. 

Theo họa sĩ, quá trình sáng tác mất khá nhiều thời gian và gặp không ít rủi ro. Ông thực hiện 44 tác phẩm nhưng chỉ chọn 22 tác phẩm tiêu biểu để trưng bày. Trong đó, mỗi tác phẩm phải mất 15-20 ngày để hoàn thiện. 

Hoàng Đăng Nghiễm cho biết, việc ủ màu rất quan trọng, tuy nhiên lại mang đến rủi ro cao bởi nếu thời tiết thất thường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng màu. Ngoài ra, công đoạn tạo hình cũng tốn thời gian không kém, khi mỗi tác phẩm phải có đến 500-700 mũi khâu.

Họa sĩ bộc bạch: "Với tôi, hành trình này sẽ đi mãi mãi, không có điểm dừng. Ngay từ những bước đi đầu tiên, tôi từng nhụt chí khi thấy có quá nhiều khó khăn nhưng vì đam mê tôi không cho phép bản thân bỏ cuộc, thậm chí luôn thôi thúc phải dấn thân". 

Hoàng Đăng Nghiễm (SN 1974) lớn lên trong một gia đình có cha là họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận (1942 - 2021), em là họa sĩ Hoàng Đăng Khanh. Anh biết vẽ từ nhỏ, nhưng khi lớn lên lại chọn con đường kiến trúc, làm nội thất nhưng lại bị hội họa quyến rũ, níu kéo.

Năm 2020, anh từng làm triển lãm cá nhân đầu tiên có tên là Nghiễm tại Huế. Khi mới quay lại làm hội họa, anh từng một thời thực hành hội họa giá vẽ, tức là toan với màu. 

Sau thời gian hoạt động, anh muốn tìm cái gì đó khác lạ và cá biệt hơn, cuối cùng anh nghiên cứu và làm tranh bằng bao bố nhuộm.