Từ vụ nữ bác sĩ bị kính rơi vào người: Xác định mức bồi thường như thế nào?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Pháp luật quy định có 3 khoản bồi thường chính là chi phí cứu chữa, khám chữa bệnh; thu nhập bị giảm sút của nạn nhân và chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại.

Liên quan vụ bác sĩ Hoàng Minh Lý (29 tuổi, quê Nghệ An) bị tấm kính tại quán cà phê The Coffee House (số 1 Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội) rơi đè lên dẫn tới liệt nửa người, đại diện The Coffee House đã khẳng định sẽ không chối bỏ trách nhiệm và sẵn sàng thảo luận về các khoản bồi thường với gia đình. Tuy nhiên, đôi bên trước mắt thống nhất sẽ ưu tiên việc điều trị cho bác sĩ Lý, việc thảo luận sẽ được thực hiện sau, đảm bảo sự riêng tư, bảo mật và dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật. 

Theo quy định của pháp luật, trường hợp một người có sức khỏe bị xâm phạm, việc xác định mức bồi thường cho người đó sẽ dựa trên những căn cứ nào? 

Từ vụ nữ bác sĩ bị kính rơi vào người: Xác định mức bồi thường như thế nào? - 1

Hiện trường vụ tai nạn và vị trí tấm kính rơi xuống (khoanh đỏ) (Ảnh: Chuyện nghề y).

Trả lời

Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định về việc bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe bị xâm phạm cụ thể như sau: 

Thứ nhấtchi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Trong đó bao gồm: 

- Chi phí khám, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;

- Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;

- Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Thứ hai, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại, được xác định cụ thể như sau:

- Nếu người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;

- Nếu người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định thì tiền lương, tiền công được xác định căn cứ mức thu nhập trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề đó thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút.

Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương mức bồi thường được tính là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại. Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày. 

Thứ ba, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Trong đó bao gồm: 

- Chi phí cho người chăm sóc trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại điều trị (nếu có);

- Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;

- Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.

Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu tương đương với các vùng I, II, III và IV hiện lần lượt là 4,68 triệu; 4,16 triệu; 3,64 triệu và 3,25 triệu đồng.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà nạn nhân gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tức 90 triệu đồng. 

Như vậy, việc xác định mức bồi thường cho một người có sức khỏe bị xâm phạm đã được pháp luật hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, việc áp dụng sẽ không đơn giản bởi để có cơ sở xem xét trách nhiệm bồi thường, cần làm rõ yếu tố lỗi của các chủ thể liên quan trong sự việc cũng như mức độ thiệt hại tương đương với phần lỗi mà chủ thể đó gây ra. 

Đối với các vụ việc dân sự, việc xác định trách nhiệm bồi thường sẽ dựa trên sự thỏa thuận, đàm phán, thương lượng, thống nhất giữa các bên và được pháp luật tôn trọng. Trong trường hợp không thể đi tới thống nhất, các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết, phân xử theo quy định của pháp luật.