DNews

"Gấu Nga xòe nanh vuốt" làm nguội những cái đầu nóng phương Tây

Ngọc Huy

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói: "Một cánh tay yếu đuối thì chỉ có thể lau nước mắt". Tuyên bố của ông hàm ý, dù bị đàn sói bao vây, gấu xám vẫn có sức mạnh và vuốt sắc để kết liễu đối thủ.

"Gấu Nga xòe nanh vuốt" làm nguội những cái đầu nóng phương Tây

Những lằn ranh đỏ mà Moscow vạch ra liên tục bị Mỹ và phương Tây vượt qua, từ cung cấp thông tin tình báo, cung cấp vũ khí sát thương… đến gần đây nhất là việc Pháp đưa ra gợi ý về việc triển khai binh sĩ phương Tây tới Ukraine.

Thật ngẫu nhiên, chỉ sau đó vài ngày đã có ghi nhận về sự hiện diện của các đơn vị chiến đấu nước ngoài tinh nhuệ dưới vỏ bọc lính đánh thuê hỗ trợ Quân đội Ukraine vốn đang "sức cùng, lực kiệt" trên tiền tuyến miền Đông.

Đây dường như chính là "giọt nước tràn ly" để Moscow cần phải đưa ra thông điệp răn đe mạnh mẽ bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tất cả nên có giới hạn

Sự xuất hiện của lính đánh thuê nước ngoài tham chiến tại cuộc xung đột Ukraine không phải là vấn đề mới. Thậm chí, Quân đội Ukraine còn thành lập Quân đoàn nước ngoài để hợp thức hóa sự hiện diện của lính đánh thuê tham gia cuộc xung đột. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đánh thuê nước ngoài thường chiến đấu ở các mặt trận ít nóng bỏng hoặc tuyến 2.

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, nhiều ghi nhận của binh sĩ Nga về các đơn vị chiến đấu nước ngoài được trang bị tốt, chiến đấu có tổ chức và phối hợp bài bản. Điều này đã được AsiaTimes xác nhận hôm 6/5 về những trận đụng độ giữa lực lượng Moscow và các đơn vị chiến binh nước ngoài tại Ukraine.

Những đơn vị này dường như không phải lính đánh thuê thông thường mà có những biểu tượng đặc biệt cho thấy đây là lực lượng quân đội nước ngoài có thể đã được âm thầm triển khai tại Ukraine.

Hãng tin RIA Novosti của Nga hôm 6/5 cho biết, tại vùng Lugansk, sau một trận đấu súng, binh sĩ Nga đã phát hiện trên nhiều thi thể lính đánh thuê sử dụng dấu hiệu nhận diện có biểu tượng quốc kỳ Pháp. Vụ việc xảy ra gần Belogorovka, vùng Lugansk, khi binh sĩ Nga bắn hạ một lính đánh thuê có biểu tượng đặc biệt này. Paris chưa bình luận về thông tin trên.

Trước đó, chỉ huy một phân đội xung kích thuộc đơn vị Sever thuộc Nhóm tác chiến phương Nam của Nga đã xác nhận thông tin về một đơn vị lính đánh thuê có biểu tượng cờ Mỹ bị tiêu diệt.

Tất nhiên, đây chỉ là thông tin do phía Nga đưa ra, khó có thể kiểm chứng đầy đủ. Tuy vậy, tại sao lại sự việc này lại xuất hiện mới đây? Phải chăng nó có liên hệ với những tuyên bố có phần cứng rắn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine.

"Nếu người Nga đột phá ở tiền tuyến và nếu có yêu cầu từ Kiev, thì chúng ta sẽ có lý do chính đáng để tự đặt cho mình câu hỏi có nên triển khai quân", Tổng thống Pháp nêu rõ. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp cho biết nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu đồng ý với quan điểm của Pháp về việc gửi lực lượng quân sự tới Ukraine.

Ngay sau thông tin về lính đánh thuê có biểu tượng cờ Pháp bị hạ gục tại Belogorovka, Điện Kremlin tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đang điều tra vụ việc.

"Về vấn đề này, trước tiên chúng tôi cần tìm hiểu thông tin chính xác", ông Dmitry Peskov nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Sebastian Lecornu đã cảnh báo Paris không nên gửi quân tới Ukraine. Ông Sergey Shoigu tuyên bố, việc gửi quân tới Ukraine "sẽ gây ra vấn đề cho chính nội bộ nước Pháp".

Gấu Nga xòe nanh vuốt làm nguội những cái đầu nóng phương Tây - 1

Lính đánh thuê nước ngoài được cho là đã tham chiến ở Ukraine (Ảnh minh họa: Skynews).

Cảnh báo "mùa đông hạt nhân" làm nguội những cái đầu nóng

Không phải vô tình, ngay sau những động thái của Pháp, Anh và một số thành viên NATO tại khu vực Đông Âu lên tiếng ủng hộ việc triển khai quân tới Ukraine, Nga đã ra tuyên bố chuẩn bị tập trận hạt nhân phi chiến lược tại Quân khu phương Nam với sự tham gia các đơn vị tên lửa, không quân và hải quân.

Theo sắc lệnh được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký, trong đợt diễn tập sẽ diễn ra khoa mục thử nghiệm sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, mục đích của cuộc diễn tập là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước.

Hoạt động diễn tập cũng là phản ứng trước "những tuyên bố khiêu khích và đe dọa của các quan chức phương Tây chống lại Liên bang Nga".

Không quá khó để nhận ra, động thái diễn tập vũ khí hạt nhân nhằm đáp lại tuyên bố hồi đầu tháng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng triển khai quân tới Ukraine. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, phương Tây không cần đặt bất kỳ giới hạn về hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Về vấn đề này, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng việc Pháp tiếp tục nói về khả năng can dự trực tiếp trên thực địa vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine là một xu hướng nguy hiểm. Phương Tây tuyên bố Nga có ý định tấn công châu Âu, nhưng Moscow bác bỏ.

Ông Putin cũng đưa ra cảnh báo: "Tất cả những gì họ đang nghĩ ra bây giờ, cách họ khiến cả thế giới sợ hãi… tất cả những điều này thực sự đe dọa dẫn tới một cuộc xung đột liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sẽ hủy diệt nền văn minh nhân loại".

Gấu Nga xòe nanh vuốt làm nguội những cái đầu nóng phương Tây - 2

Tổng thống Nga Valdimir Putin (Ảnh: Skynews).

Tại sao Nga chọn vũ khí hạt nhân chiến thuật?

Điểm khác biệt lớn nhất của vũ khí hạt nhân chiến thuật so với cấp chiến lược là chúng có hiệu suất công phá nhỏ hơn nhiều lần, chỉ khoảng vài chục Kiloton. Chúng được thiết kế để sử dụng ngay trên chiến trường với tầm sát thương hiệu dụng khoảng vài km tính từ tâm vụ nổ. Tuy nhiên, hiệu ứng hủy diệt của các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng vượt xa mọi loại vũ khí thông thường mà con người từng tạo ra.

"Trong quá khứ, cả Liên Xô và Mỹ đều rất tích cực thử nghiệm vũ khí hạt nhân chiến thuật và sở hữu hàng nghìn đơn vị vũ khí dạng này. Dù đi theo nhiều hướng phát triển khác nhau, nhưng đặc điểm chung của đầu đạn hạt nhân chiến thuật là chúng phải nhỏ gọn, phù hợp để trang bị các loại vũ khí truyền thống như pháo binh, tên lửa, mìn…", Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Viện Khoa học Quân sự Liên bang Nga cho biết.

Tương tự vũ khí hạt nhân chiến lược, vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng chưa bao giờ được sử dụng trên chiến trường do chúng đều là vũ khí hủy diệt hàng loạt không chỉ có sức công phá lớn, mà còn tạo bụi phóng xạ gây ô nhiễm chiến tuyến.

Có chung quan điểm, chuyên gia quân sự Nga Alexey Sukonkin đánh giá vũ khí hạt nhân chiến thuật có đặc điểm là có sức công phá giới hạn để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng và nơi tập trung lực lượng đối phương ở mặt trận.

Loại vũ khí này có thể ở dạng bom, đạn pháo, mìn, ngư lôi, tên lửa phòng không và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Sức công phá của vũ khí hạt nhân chiến thuật thường tương đương 200-300 tấn thuốc nổ TNT.

Sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân chiến thuật nằm ở việc dù là vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng dường như lại không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định quốc tế nào. Chúng phù hợp để sử dụng trên nhiều loại vũ khí tấn công khác nhau.

Đặc biệt tại châu Âu, khi lắp trên các tên lửa chiến thuật, vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ chỉ mất khoảng vài phút để tấn công bất kỳ địa điểm nào. Đó là khoảng thời gian mà một khi nó được sử dụng sẽ không có cách nào ngăn chặn hay xuống thang xung đột.

Gấu Nga xòe nanh vuốt làm nguội những cái đầu nóng phương Tây - 3
Một cánh tay yếu đuối thì chỉ có thể lau nước mắt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Chính Mỹ và phương Tây cũng nhận ra sự nguy hiểm này và từng ràng buộc Liên Xô và sau này là Nga với Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, INF đã không còn hiệu lực.

Vì thế, không quá ngạc nhiên khi ngay sau động thái chuẩn bị diễn tập hạt nhân của Nga, báo Corriere della Sera của Italia dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể sẽ thông qua tuyên bố chính thức không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo đó, NATO đang chuẩn bị đưa ra quyết định như vậy tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới dự kiến được tổ chức tại Washington từ ngày 9 đến ngày 11/7. Về phía Mỹ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Matthew Miller cho biết, Tổng thống Joe Biden phản đối khả năng gửi quân Mỹ tới Ukraine.

Tổng thống Putin trong một phát biểu từng nói: "Một cánh tay yếu đuối thì chỉ có thể lau nước mắt". Đó là tuyên bố hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh địa chính trị của Nga. Khi đàn sói bao vây gấu xám hãy luôn nhớ gấu không chỉ có sức mạnh, mà còn sở hữu bộ vuốt sắc có thể kết liễu đối thủ…

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine