Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

"Việc làm thỏa đáng, đàng hoàng"

"Em có cảm giác bà ấy chỉ hưởng phụ cấp lãnh đạo, quản lý để tìm mọi cách ngăn cản, triệt hạ em". Tôi bật cười khi nghe một người bạn ấm ức tâm sự về tình hình tại nơi làm việc mà bấy lâu nay tôi biết cô rất bức bối, đã nhiều lần kể với tôi như một cách để xả stress và tìm sự đồng cảm.

Theo lời cô bạn tôi kể, vị thủ trưởng là người theo khuôn mẫu truyền thống, tính cách bảo thủ, luôn muốn mình là duy nhất đúng. Mọi ý tưởng do thủ trưởng nêu ra cần phải được thực hiện răm rắp, hạn chế tối đa ý kiến bàn ngang. Ngược lại, cô bạn tôi là người cá tính, sắc sảo, tự tin vào tri thức chuyên môn cho nên luôn có chính kiến, và không ngại phản biện thủ trưởng. Cũng bởi thế, mối quan hệ giữa hai người ngày càng xấu đi.

Việc làm thỏa đáng, đàng hoàng - 1

Môi trường làm việc thỏa đáng, đàng hoàng sẽ giúp cá nhân có triển vọng tốt hơn cho sự phát triển bản thân và hội nhập xã hội (Ảnh minh họa: Canva)

Là người nghiên cứu về khu vực công, tôi không lạ gì những trường hợp xung khắc giữa thủ trưởng với nhân viên. Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến căng thẳng, mâu thuẫn tại nơi làm việc thường là không công bằng về lợi ích, đối xử không bình đẳng giữa các thành viên, cản trở cá nhân tiếp cận cơ hội học tập hoặc thăng tiến, hoặc những mâu thuẫn cá nhân được đem vào nơi làm việc.

Điểm khác biệt trong tình huống của cô bạn tôi kể trên là bản chất sâu xa của sự xung khắc giữa hai người là tác phong làm việc. Một người trẻ trung, hiện đại, luôn muốn thực hiện nhiệm vụ tốt nhất có thể. Ngược lại, người kia lại ưu tiên duy trì trật tự đơn vị trong phạm vi kiểm soát của mình, chứ không quá coi trọng kết quả và chất lượng thực thi nhiệm vụ…

Những năm gần đây, khi đề cập môi trường làm việc, nhất là khu vực công, thì các ý kiến thảo luận thường chỉ tập trung vào tuyển chọn và đề bạt người tài, cải thiện chế độ đãi ngộ, hay tinh gọn biên chế. Các mối quan hệ tại nơi làm việc ít được bàn luận tại các diễn đàn chính thức. Thế nhưng, chỉ cần rời khỏi nơi làm việc thì những vấn đề bất cập liên quan đến quan hệ đồng nghiệp hay quan hệ giữa thủ trưởng và nhân viên lại có thể trở thành những chủ đề bàn luận bất tận trong các nhóm hẹp hơn.

Theo tư duy hiện đại, một công việc tốt thì không đơn giản chỉ đem lại thu nhập tốt và cơ hội thăng tiến cho cá nhân. Môi trường làm việc, trong đó có các mối quan hệ giữa nhân viên với thủ trưởng, quan hệ giữa các đồng nghiệp trong cùng một đơn vị, được xác định là một trong những yếu tố hàng đầu, có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến sự thể hiện trong công việc của mỗi cá nhân, cũng như kết quả và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

Từ năm 1999, tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã sử dụng khái niệm "decent work - việc làm thỏa đáng, đàng hoàng", đặt ra nhu cầu nhận thức những chiều cạnh đa dạng hơn về việc làm, áp dụng cho cả khu vực công cũng như khu vực tư nhân, khu vực chính thức và phi chính thức. Đến đầu những năm 2000, khái niệm "việc làm thỏa đáng, đàng hoàng" được sử dụng phổ biến bởi các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc hay khối OECD.

Theo đó, việc làm thỏa đáng, đàng hoàng được hiểu là mỗi người lao động cần được bảo đảm cơ hội được làm việc hiệu quả, đem lại thu nhập thỏa đáng để có thể bảo đảm cuộc sống, cảm thấy an toàn về việc làm, bản thân và các thành viên gia đình được giúp đỡ, bảo vệ khi gặp rủi ro.

Môi trường làm việc thỏa đáng, đàng hoàng cũng sẽ giúp cá nhân có triển vọng tốt hơn cho sự phát triển bản thân và hội nhập xã hội, mọi người được tự do bày tỏ mối quan tâm, tổ chức và tham gia vào những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống, sự bình đẳng về cơ hội và không phân biệt đối xử giữa nam và nữ.

Trên bình diện toàn cầu, từ năm 2015, việc làm thỏa đáng, đàng hoàng trở thành mục tiêu số 8 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, được đề ra bởi Liên Hợp Quốc. Bốn chiều cạnh trụ cột của chương trình việc làm thỏa đáng, đàng hoàng bao gồm: tạo việc làm thỏa đáng, bảo đảm an sinh xã hội, tôn trọng và bảo vệ quyền tại nơi làm việc, và thúc đẩy đối thoại xã hội.

Cho đến nay, theo nhận thức chung được chia sẻ bởi các chính phủ và các tổ chức quốc tế thì bảo đảm việc làm thỏa đáng được xác định là một điều kiện tất yếu để có được sự tăng trưởng kinh tế, một biện pháp nhằm chia sẻ lợi ích công bằng hơn, nhờ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của nhân loại.

Ở nước ta, thúc đẩy việc làm thỏa đáng, đàng hoàng cũng được xác định là một mục tiêu trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội từ những năm 2017 - 2021, và hiện nay là chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng, giai đoạn 2022 - 2026. Ba yêu cầu then chốt với chương trình này bao gồm:

Thứ nhất, thúc đẩy việc làm thỏa đáng và môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững. Thứ hai, giảm nghèo thông qua việc mở rộng an sinh xã hội cho mọi người, giảm thiểu các loại công việc phi lý, đặc biệt là với các nhóm yếu thế. Thứ ba, xây dựng nền quản trị hiệu lực với thị trường lao động, tuân thủ các nguyên tắc thiết yếu và bảo vệ quyền tại nơi làm việc.

Những gì xảy ra với cô bạn tôi trong câu chuyện kể trên gợi ra rằng tình trạng người lao động ở nước ta bị phân biệt đối xử, bị cản trở bởi người quản lý hoặc đồng nghiệp tại nơi làm việc vẫn đang là một thực tế cần được giảm thiểu, tiến tới loại bỏ. Hiểu rộng ra thì rất nhiều những khuôn mẫu hành vi ứng xử, quan hệ tại nơi làm việc sẽ cần phải thay đổi để có thể từng bước kiến tạo công việc thỏa đáng và môi trường làm việc đàng hoàng cho mọi người.

Thách thức đầu tiên với các chương trình thúc đẩy công việc thỏa đáng, môi trường làm việc đàng hoàng ở nước ta là truyền thống văn hóa Á Đông. Những tư duy và thói quen hành xử dựa vào trật tự thứ bậc của những người nắm giữ chức vị cần được điều chỉnh theo hướng dân chủ, bình đẳng hơn. Với nhóm nhân viên thì cần khơi dậy ý thức về lợi ích chung, quyền và khả năng bảo vệ các quyền chính đáng của mình tại nơi làm việc.

Cùng với đó, bối cảnh đang chuyển đối của nền kinh tế - xã hội Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng ảnh hưởng rất mạnh đến mỗi cá nhân. Những thói quen, thông lệ ứng xử cảm tính cá nhân, các hình thức gắn kết dựa trên sự tương đồng cá nhân chứ không phải các nguyên tắc duy lý hay các giá trị chung, phổ quát vẫn còn hiện diện rất rõ tại nơi làm việc.

Vì thế, bên cạnh các chương trình của chính phủ nhằm thúc đẩy công việc thỏa đáng thì định hướng giải pháp đầu tiên để kiến tạo môi trường làm việc đàng hoàng là cần đẩy mạnh giáo dục, truyền thông để người lao động biết, hiểu, và nắm vững những chính sách về công việc thỏa đáng và môi trường làm việc đàng hoàng. Về lâu dài, xây dựng văn hóa tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ sẽ là điều kiện cần thiết để kiến tạo môi trường làm việc đàng hoàng, thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu công việc thỏa đáng.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!