Tâm điểm
Lê Kiên Thành

Trọn vẹn một lời thề

Sáng sớm ngày 30/4/1975, Học viện không quân Zhukovsky và Gagarin đang yên tĩnh bỗng có tiếng bước chân rầm rập trên sàn. Nhóm sĩ quan trẻ người Đức chạy sang phòng của các học viên Việt Nam đập cửa báo tin "Sài Gòn giải phóng rồi!".

Múi giờ ở Nga chậm hơn Việt Nam mấy tiếng đồng hồ, nên khi xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập và tin tức truyền đi khắp thế giới thì ở Nga là đầu giờ sáng. Các bạn người Đức có đài radio, cập nhật được thông tin và vội báo cho chúng tôi biết. Chúng tôi chạy ùa ra khỏi phòng, hét vang khu ký túc xá của Học viện. Các học viện khác cũng ùa ra chúc mừng chúng tôi.

Đó là một ngày không thể quên trong cuộc đời tôi. Trong niềm vui chung với bạn bè, tôi rưng rưng nhớ đến ba mẹ của mình, nhớ tới một lời thề đã được thực hiện trọn vẹn.

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Tất cả cán bộ lãnh đạo Cộng sản ở miền Nam phải quay ra Bắc theo nghị quyết Hiệp định, gọi là "Tập kết". Gia đình tôi đứng đầu danh sách này.

Trọn vẹn một lời thề - 1

Khu di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Ảnh minh họa: Nhật Anh).

Mẹ tôi kể lại, một đêm mùa Đông đầu năm 1955, lúc ba mẹ xuống con tàu Ba Lan cùng hơn 2.000 cán bộ và gia đình tập kết ra Bắc, mẹ không biết hình ảnh đó chỉ để mọi người thấy ba tôi (Tổng Bí thư Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ) có mặt trên tàu. Đêm trước khi con tàu nhổ neo, ông mới cho bà biết mình sẽ ở lại miền Nam. Lúc đó ba tôi nghĩ rằng, nếu tất cả lãnh đạo Xứ ủy đều ra Bắc thì sự nghiệp cách mạng miền Nam sẽ khó khăn, mục tiêu giải phóng, thống nhất đất nước sẽ vô cùng xa vời. Ông gửi điện xin Bác Hồ ở lại. Bác và Trung ương đồng ý nhưng phải giữ bí mật.

Khi chia tay, ba tôi nói với mẹ tôi "Anh thương vợ con mình bao nhiêu thì anh cũng thương đồng bào, đồng chí miền Nam bấy nhiêu, em à. Anh mong rằng sau này em sẽ hiểu quyết định của anh hôm nay".

Mẹ tôi đã vô cùng đau khổ khi ba tôi khước từ đề nghị được ở lại miền Nam cùng ông, vì như thế dễ bị lộ. Ba tôi hẹn với mẹ tôi rằng: "20 năm nữa…!".

Khi chiếc ca nô áp sát mạn tàu đón ba tôi, ông cũng nói với người đồng chí ra tiễn mình "20 năm nữa chúng ta mới có thể gặp nhau…". Đó cũng là tiên đoán của ông về ngày Thống nhất.

Về Hà Nội ít lâu thì mẹ tôi sinh tôi. Trong nhật ký, bà viết "11h trưa ngày 17/4/1955, sinh Kiên Thành. Kiên Thành tức là kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ cách mạng miền Nam! Đó là ý chí của toàn dân và cũng là của ba con nữa…". Tôi đã vô cùng tự hào về cái tên của mình, như một lời thề, dẫu biết rằng phía trước là biết bao khó khăn gian khổ, là biết bao hy sinh xương máu.

Và đúng 20 năm sau: ngày 30/4/1975, nước nhà thống nhất, non sông thu về một mối. Lời thề "Kiên Thành" đã thành sự thật.

Khi về nước, được nghe các chị gái của mình kể chuyện về ba, tôi mới biết rằng cũng là đón nhận tin tức về thời khắc lịch sử, chúng tôi thì nhảy lên vui sướng, còn ba tôi lúc đó lại rất bình thản. Ông nói với chú Phú (cần vụ) lấy cho ông một điếu thuốc và ngồi lặng lẽ hồi lâu với điếu thuốc trên tay.

Hồi xưa lúc hoạt động miền Nam, ba tôi hút thuốc rất nhiều. Tôi nhớ khi còn nhỏ, cầm tay ba nghịch thì thấy ngón tay ông có chỗ đen lại vì hút thuốc rê. Giữa năm 1957, Bác Hồ gọi ba tôi ra Bắc, ra Hà Nội. Lúc này bác sĩ nói với ba tôi rằng phải bỏ thuốc lá để giữ sức khỏe. Ba tôi "chấp hành" yêu cầu của bác sĩ. Ông bỏ thuốc lá từ giữa năm 1957. Cho đến ngày 30/4/1975, trong giây phút cảm xúc nhất, ba tôi cho phép bản thân làm một điều có hại với sức khỏe của ông, một thói quen mấy chục năm trước, đó là hút lại một điếu thuốc lá. Ông chỉ nói một câu ngắn gọn với các con của mình lúc đó là "Ba không bất ngờ. Ba tin chắc rằng phải thắng".

Trong ngày này, tôi nhớ đến một lời thề đã được thực hiện trọn vẹn bởi ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", bởi ý chí "hẹn ngày Thống nhất" của biết bao thế hệ người Việt, trong đó có ba mẹ tôi.

Và tôi cũng nhớ đến lời thề của riêng mình. Trong suốt 70 năm cuộc đời mình đến nay, tôi đã cố gắng sống từng giây, từng phút để không hổ thẹn là con của những người Cộng sản yêu nước và đúng với những gì ba mẹ dạy: "Cái gì cho đi là còn mãi về sau".

Tác giả: Ông Lê Kiên Thành là con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông tham gia kinh doanh từ năm 1989 trong ngành ngân hàng và sản xuất, từng giữ chức Chủ tịch Techcombank; trước đó ông được đào tạo tại Trường Lái máy bay Kratxnoida và Học viện Kỹ sư không quân Giucopxky, Liên Xô; nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Dupna, Liên Xô.

Ông từng công tác tại: Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam; Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia; Viện Khoa học Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!