1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu

Nam Phương

(Dân trí) - Đến nay, ngành dược Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc. Dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trên 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập khẩu.

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí công bố lễ trao danh hiệu Ngôi sao Thuốc Việt lần thứ 2 diễn ra sáng 15/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang tích cực hoàn thiện sửa đổi dự án luật Dược sửa đổi với 5 chính sách quan trọng. Trong đó, có chính sách ưu tiên đặc biệt để phát triển ngành công nghiệp dược trong nước.

"Hiện nay trên 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu. Trong khi đó, nguồn dược liệu của chúng ta rất phong phú vì thế chúng ta cần có chính sách ưu tiên để thu hút phát triển ngành công nghiệp dược để đáp ứng được nhu cầu của người dân", Thứ trưởng Tuyên nói.

Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Trần Minh).

Cũng theo Thứ trưởng, dự án luật Dược sửa đổi sẽ tiến hành cải cách hành chính tối đa và phân cấp, phân quyền để làm sao thuốc đến người dân nhanh nhất, chất lượng, giá cả hợp lý.

"Đến giờ chúng ta cơ bản khắc phục được vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế. Tới đây khi luật Dược được ban hành cũng sẽ từng bước khắc phục tồn tại. Dự kiến trong năm nay, Bộ Y tế sẽ ban hành 41 thông tư để giải quyết khó khăn vướng mắc, dứt khoát trong tháng 5 Bộ sẽ ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn luật Đấu thầu, hiện các đơn vị rất cần", Thứ trưởng Tuyên nói.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung của chiến lược nhằm phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý.

Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN.

Việt Nam cũng phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO, phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.

Giải thưởng Ngôi sao Thuốc Việt là hoạt động do Cục Quản lý Dược và Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp tổ chức. Đây là lần thứ 2 lễ trao danh hiệu này được tổ chức.

Giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước có nhiều sản phẩm thuốc điều trị hiệu quả, thị trường lớn, được người dân tin dùng và các sản phẩm thuốc đã được sử dụng và chứng minh hiệu quả trong phòng bệnh, chữa bệnh. Hội đồng đã bình chọn 18 doanh nghiệp và 68 sản phẩm đủ điều kiện tiêu chuẩn để nhận danh hiệu này.