Nỗi khổ của thế hệ "thích bật sếp"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Gen Z ngay từ lâu đã được xem là thế hệ có cái tôi cao, dễ nản chí và hay "bật" lại sếp. Nhiều Gen Z khổ sở khi bị đánh giá vì họ cho rằng, tính cách khác biệt này đang giúp cho xã hội phát triển.

Mệt mỏi trước định kiến

"Gen Z bất cần đời, ích kỷ, cái tôi cao, sống buông thả,…", là những định kiến mà Anh Thư (22 tuổi, ngụ tại TPHCM), một nhân viên công sở thuộc thế hệ Z (Gen Z, những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012), thường xuyên đọc được trên các phương tiện truyền thông và từ cả những người mà mình tiếp xúc.

Nỗi khổ của thế hệ thích bật sếp - 1

Gen Z mệt mỏi trước những định kiến dành cho thế hệ mình (Ảnh minh họa: AI).

"Trong một cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng các đồng nghiệp lớn tuổi thường trêu rằng "em có vẻ ít nói vì Gen Z bây giờ chảnh lắm". Những câu trêu đùa như vậy cũng không quá nghiêm trọng nhưng thể hiện rõ thế hệ trước có cái nhìn khác dành cho thế hệ sau này", Thư chia sẻ.

Trước bối cảnh công nghệ phát triển, tiêu chuẩn năng lực đòi hỏi cao, những định kiến xã hội càng khiến những Gen Z như Thư cảm thấy áp lực, mệt mỏi.

"Theo tôi, bất kỳ thế hệ nào cũng có người thuộc tính cách nhạy cảm, cái tôi cao, dễ tổn thương,… Chỉ là do trước đây, mạng xã hội chưa phổ biến nên các thế hệ trước chưa có cơ hội thể hiện suy nghĩ của mình cho nhiều người biết.

Giờ đây, công nghệ phát triển, Gen Z có thể bày tỏ cảm nghĩ của mình đến phần lớn cộng đồng, nên vô tình bị đánh giá là chỉ thế hệ này mới có những tính cách đó", Thư nói.

Khánh Vy (23 tuổi), nhân viên một công ty truyền thông ở TPHCM, đang dần trở nên rụt rè hơn khi những điều khác biệt thuộc thế hệ của mình lại vô tình trở thành tính cách cá biệt, bị chỉ trích, chê bai.

"Chẳng hạn như định kiến Gen Z thích "bật" sếp, theo tôi, khi xã hội càng phát triển, văn minh, người lao động càng có quyền nêu ra quan điểm cá nhân và cùng những người khác chung tay góp ý, xây dựng cùng nhau.

Chỉ như vậy thì xã hội mới phát triển được. Nếu xã hội xem đó là tính cách xấu thì bản thân tôi cũng sẽ chẳng dám lên tiếng trước những điều sai trái", Vy chia sẻ.

Theo Vy, thế hệ nào cũng sẽ có ưu và nhược điểm riêng, xã hội không nên chỉ trích, đánh giá một người ngay từ lần đầu gặp hay chỉ tập trung vào nhược điểm của Gen Z, mà hãy quan tâm đến thế mạnh của một người rồi cùng phát triển điều đó.

"Nếu "đóng khung" toàn bộ Gen Z vào một số tính cách thì không chính xác", Vy nói.

Giải oan cho Gen Z

Theo bà Nguyễn Hiếu, đại diện phòng nhân sự công ty kinh doanh bất động sản ở TPHCM, nhân sự thuộc Gen Z mới ra trường thường khá mơ hồ với định hướng công việc. Một số người còn dễ nản chí nên công ty phải dành nhiều thời gian kiên nhẫn, hướng dẫn. Tuy nhiên, đó là đặc điểm cũng từng xuất hiện ở các thế hệ trước, không riêng gì Gen Z.

Bà Hiếu không thể phủ nhận rằng Gen Z là thế hệ nhanh nhẹn, năng động, ham học hỏi và giỏi tận dụng những điểm mạnh của công nghệ để phục vụ cho công việc. Công ty nơi bà Hiếu làm việc có đến 40% nhân sự là Gen Z. Hằng tháng, một số nhân viên thuộc thế hệ này có thể đạt mức thu nhập rất cao.

Nỗi khổ của thế hệ thích bật sếp - 2

Nhiều chuyên gia nhân sự nhận định rằng Gen Z có không ít thế mạnh giúp công việc phát triển hơn trước (Ảnh minh họa: Chí Hiếu).

Bên cạnh những tính cách bị cho là "cá biệt", Gen Z đang dần khẳng định mình là thế hệ sáng tạo, năng động, thích ứng nhanh. Nhờ sự phát triển của công nghệ, Gen Z thường "rỉ tai" nhau những kinh nghiệm, bổ ích trên mạng xã hội. Từ đó, họ có thể nhanh chóng hiểu rõ tính cách của bản thân, chủ động đặt ra mục tiêu và tận dụng nhược điểm của mình trở thành ưu điểm.

"Gen Z không phải ai cũng yếu ớt hay dễ nản như lời đồn. Những người bạn Gen Z của tôi thậm chí chấp nhận làm không lương cho một công ty hoặc đi bán cà phê dạo để góp tiền tham gia khóa học.

Họ cũng sẽ sẵn sàng nghỉ công việc lương cao, dứt khoác từ bỏ một cái gì đó ngay lập tức nếu cảm thấy không phù hợp. Bởi họ biết rõ mình đang muốn gì. Sự dứt khoác này bị xã hội cho là cá biệt nhưng đôi lúc lại là ưu điểm", Anh Thư bộc bạch.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Anphabe, đơn vị tư vấn tiên phong tại châu Á về các giải pháp nguồn nhân lực và thương hiệu nhà tuyển dụng, đã chỉ ra rằng, với khoảng 13.700 sinh viên từ 120 trường đại học trên toàn quốc tham gia, dự báo tới năm 2025, trung bình cứ 4 người đi làm sẽ có một đại diện Gen Z.

Trong đó, có tới 81% người thuộc Gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì. Điều này hoàn toàn khác với các thế hệ trước.

The Economist cũng đã mô tả Gen Z là thế hệ có giáo dục, cư xử tốt, hay căng thẳng và trầm tĩnh hơn so với thế hệ trước.