1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

ChatToday số mới: Người Việt ham học hỏi, có khát vọng làm giàu, nhưng...

Hà Phong Bảo Anh

(Dân trí) - Trong ChatToday số ngày 1/5, doanh nhân Đỗ Cao Bảo sẽ chia sẻ về nhân lực bền vững, người Việt có những thế mạnh gì và những điểm còn hạn chế ra sao trong việc hướng tới phát triển bền vững...

Ông Đỗ Cao Bảo là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT. Ông hiện là Ủy viên HĐQT, Thành viên HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và lương thưởng của tập đoàn này. 

Bàn về câu chuyện nhân lực bền vững trong số ChatToday phát sóng 9h ngày 1/5 thuộc seri "Ta để lại gì cho mai sau?", ông Bảo nêu ra nhiều vấn đề, từ góc độ nhân lực bền vững của doanh nghiệp đến nhân lực bền vững của đất nước. 

Theo ông Đỗ Cao Bảo, người nào đặt thu nhập số một thì không phải lãnh đạo trong tương lai và điều này đã được đúc kết. Doanh nghiệp khi chọn lãnh đạo cần chọn những người hài hòa được vấn đề phát triển bản thân và thu nhập (Video: Phạm Tiến).

Theo ông Đỗ Cao Bảo, muốn phát triển lâu nhất có thể, doanh nghiệp cần xác định giá trị cốt lõi, có những con người để chia sẻ giá trị cốt lõi đó và điều này nhiều khi còn quan trọng hơn cả tài năng. Những người chia sẻ các giá trị đó mới giữ công ty phát triển bền vững.

"Ta để lại gì cho mai sau?" là chuỗi những câu chuyện liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển bền vững trong doanh nghiệp, thực hành ESG…

Mỗi câu chuyện sẽ hàm chứa những nội dung khác nhau, nhưng tựu trung lại đều hướng đến việc truyền cảm hứng trong doanh nghiệp Việt, trong nền kinh tế, qua đó hướng tới phát triển bền vững. 

Nếu không có chiến lược nhân lực bền vững thì công ty rất khó lớn mạnh. "Tại sao có công ty cùng 10 năm thì như thế này, cùng 20 năm thế này, cùng 30 năm lại như thế kia?", ông nêu. 

Mọi người hay nói thế hệ này khác thế hệ khác nhưng trong cuộc sống sẽ có những giá trị bền vững theo thời gian.

"Thời kỳ nào cũng cần người trung thực trung tín, nhân hậu nhân từ, chúng ta vẫn phải tôn trọng các giá trị đó. Tốt bụng, hào phóng là những cái bất biến theo thời gian, những cái đó là bền vững", nhân vật của ChatToday bày tỏ. 

Còn với một quốc gia, để phát triển nhân lực bền vững, chúng ta cần tìm ra những đặc thù, đặc tính văn hóa.

Người Việt Nam có nhiều ưu điểm, nhưng nổi trội nhất là học thứ mới rất nhanh, khát vọng làm giàu của người Việt cũng rất mạnh. Người Việt cũng có tố chất không dễ hài lòng, nếu có tổ chức tốt dẫn dắt thì họ làm việc rất chăm chỉ để đạt được.

Dù thế, chúng ta cũng có những điểm còn được coi là hạn chế như hay áp đặt suy nghĩ, thiếu sự kế thừa thành quả lao động, kết quả nghiên cứu nên làm giảm năng suất lao động, tính kỷ luật và những điều này cần được nhìn nhận, thay đổi. 

Ông Đỗ Cao Bảo nói về tố chất người Việt trong phát triển nhân lực bền (Video: Minh Quang).

"Nhiều người lấy cái của mình làm chuẩn, cái gì không giống mình thì coi đó là đi ngược, trong khi lẽ ra cần chấp nhận sự khác biệt và sự khác biệt đó là bình thường, cần chấp nhận "tôi có thể không giống anh nhưng tôi tôn trọng anh.

Ta chấp nhận người cũ, chúng ta làm tiếp thì tự khắc năng suất lao động sẽ cao. Ví dụ người ta xây cái nhà đời bố xây 7 tầng, đã thiết kế xong và chỉ xây được 5 thì đời sau xây nốt 2 tầng còn lại là bình thường. Thế giới vẫn thế, nhiều doanh nghiệp thế, vài trăm năm sau họ đều xây tiếp…", ông nhấn mạnh.

Từ góc độ lãnh đạo liên quan nhân sự và lương thưởng trong một doanh nghiệp công nghệ tốp đầu Việt Nam, ông cũng chia sẻ quan điểm về nhân lực bền vững.

"Người nào đặt thu nhập là số một thì không phải lãnh đạo trong tương lai", ông trích nội dung từ một cuốn sách và cho biết khi doanh nghiệp chọn lãnh đạo cần chọn những người hài hòa được vấn đề phát triển bản thân và thu nhập.

Nguồn nhân lực thế hệ trẻ, đặc biệt là gen Z, câu chuyện AI liệu có "cướp" việc của con người và đe dọa tới sự phát triển nguồn nhân lực bền vững hay không, năng suất của người Việt Nam không hề thấp nếu được tính đúng, tính đủ… cũng là những vấn đề được ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ trong số ChatToday ngày 1/5.

ChatToday là talkshow với các nhân vật liên quan tới những vấn đề về kinh tế. Sản phẩm này do các thành viên Ban Kinh tế, Báo Dân trí lên ý tưởng và triển khai thực hiện.

Xuất hiện trên Dân trí và các nền tảng mạng xã hội của báo vào 9h ngày 1 và 16 hàng tháng, ChatToday đem đến những câu chuyện của nhân vật khách mời hoặc các góc nhìn, quan điểm của họ về một chủ đề kinh tế đang được bạn đọc quan tâm.