PhotoStory

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn

Thực hiện: Nam Anh

(Dân trí) - Không đơn thuần là một quán cà phê, Đỗ Phủ còn là một di tích gắn liền với hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trước năm 1975.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 1

Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn nằm trên đường Đặng Dung (phường Tân Định, quận 1) mang đậm phong cách Sài Gòn xưa. Không đơn thuần là quán cà phê, đây còn là một di tích gắn với hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trước năm 1975.

Căn nhà gỗ được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước vốn là nơi bán cà phê, cơm tấm của vợ chồng ông Đỗ Miễn và vợ là bà Nguyễn Thị Sự. "Đỗ Phủ" có nghĩa là phủ (nhà) của họ Đỗ. Thời trước, nhiều lao động bình dân và binh lính Đại Hàn (Hàn Quốc) thường đến ăn ở quán.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 2

Ẩn sau vẻ bề ngoài là quán ăn, quán cà phê, Đỗ Phủ thực chất là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai 
(còn gọi là Năm Lai). Căn nhà được dùng làm nơi trú ẩn, họp hội, giao nhận thư từ, nuôi giấu cán bộ...

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 3

Bên trong quán cà phê Đỗ Phủ lưu giữ nhiều kỷ vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa. Khách đến tham quan sẽ thấy ngay những chứng tích của một thời hoạt động cách mạng bí mật của cha ông ngay giữa lòng Sài Gòn.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 4
Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 5

Hầm bí mật có chiều sâu 3m nằm ở tầng hai của căn nhà, vừa đủ một người chui vào. Căn hầm này được ngụy trang dưới đáy chiếc tủ quần áo, khi có động hoặc bị lộ, các chiến sĩ biệt động vào bên trong tủ khóa trái cửa, mở nắp hầm và thoát thân ra con đường phía sau căn nhà.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 6

Ngoài ra, bên trên tầng hai của căn nhà còn có hầm nổi rộng chưa đến 20cm chứa tài liệu và thư mật do chính ông Trần Văn Lai thiết kế và xây dựng. Hầm nổi được đào bên trong vách tường, ngụy trang dưới lớp sàn gỗ. 

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 7

Những chiếc lon sắt được dùng để đựng thư từ, tài liệu, thực phẩm, thuốc... bên trong căn hầm.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 8

Chiếc máy may với tuổi đời gần 60 năm mà vợ chồng ông Đỗ Miễn từng sử dụng vẫn còn nguyên vẹn và được trưng bày tại quán.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 9

Những đồ vật từ xa xưa như chiếc bàn ủi, điện thoại, máy ảnh... những đồ dùng mà ông Miễn từng sử dụng tất cả đều được lưu giữ lại một cách trọn vẹn.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 10

Hình ảnh ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự tại căn nhà hộp thư bí mật và hầm nổi của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 11

Cà phê Đỗ Phủ có tầng trệt và một lầu, không gian hoài cổ với cầu thang gỗ, nền lót gạch xen kẽ trắng đỏ, lợp mái ngói âm dương từ thời Pháp...

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 12

"Nhân dịp 30/4, mình dẫn các em trong chi đoàn đến đây để tham quan và tìm hiểu lịch sử về lực lượng Biệt động Sài Gòn. Là một người trẻ, chúng mình rất tự hào về một thời quá khứ hào hùng của ông cha", anh Dương Minh Nhật (28 tuổi, ngụ quận 5) chia sẻ.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 13

"Tôi biết đến quán cà phê Đỗ Phủ qua lời giới thiệu của các đồng nghiệp, khi ghé thăm nơi này, tôi rất tự hào về lịch sử đấu tranh của ông cha ngày xưa. Sử dụng nhiều phương pháp ngụy trang thông minh để qua mặt kẻ địch", anh Nguyễn Đức Phong (48 tuổi) nói.

Bên trong quán cà phê từng là điểm hoạt động của lính Biệt động Sài Gòn - 14

Năm 2018, ông Trần Vũ Bình (con trai anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) được gia đình ông Đỗ Miễn giao lại quyền quản lý căn nhà để mở quán cà phê tại di tích. Trước quán cà phê Đỗ Phủ được treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với sao vàng 5 cánh trên nền cờ xanh, đỏ.