Dân Hà Nội chật vật vì mức sống đắt đỏ hơn TPHCM

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Chỉ số sinh hoạt được đo đếm sau khi kết thúc năm 2023 cho thấy, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước. Đứng thứ 2 là TPHCM.

Tổng cục Thống kê mới đây vừa công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023. Chỉ số này phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

Xét theo tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội được lấy làm gốc để so sánh và được tính bằng 100%.

Theo công bố, năm vừa qua, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về mức giá đắt đỏ nhất cả nước. TPHCM đứng thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội do một số nhóm hàng của TPHCM có mức giá bình quân thấp hơn.

Đơn cử, mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép bằng 82%; văn hóa, giải trí, du lịch bằng 91,8%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,9%.

Dân Hà Nội chật vật vì mức sống đắt đỏ hơn TPHCM - 1

Các địa phương có chỉ số SCOLI cao nhất và thấp nhất năm 2023 (Ảnh: Tổng cục Thống kê).

Tổng cục Thống kê giải thích, thành phố lớn nhất với hoạt động kinh tế sôi động nhất cả nước là TPHCM, ngoài nguồn cung hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân còn đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa. Do đó, giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn so với Hà Nội.

Đứng thứ ba cả nước về mức sống, giá cả sinh hoạt là Quảng Ninh với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 6 nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội, bao gồm nhóm văn hóa, giải trí và du lịch bằng 84,38%; bưu chính viễn thông bằng 91,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 92,4%; giao thông bằng 93,7%; may mặc, mũ nón, giày dép bằng 95,9%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 97,01%.

Được xếp thứ ba trên "bản đồ đắt đỏ" vì Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Bên cạnh đó, kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.

Giữ vị trí thứ 4 về chỉ số SCOLI năm 2023 là Hải Phòng, bằng 96,07% Hà Nội. Mức giá của thành phố cảng xếp ở vị trí cao trong cả nước do Hải Phòng là một trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, có hệ thống tổ chức thương mại đa dạng với sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế.

Một số nhóm hàng của Hải Phòng có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: giáo dục bằng 86,18%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 87,47%; may mặc, mũ nón và giày dép bằng 87,56%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,46%; thuốc và dịch vụ y tế bằng 94,72%.

Bình Dương đứng thứ 5 cả nước với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 94,25% Hà Nội, tăng mức đắt đỏ 3 bậc so với năm 2022. Hầu hết các nhóm hàng của Bình Dương đều thấp hơn Hà Nội.

Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Bến Tre bằng 85,9%; Nam Định 86,3%, Quảng Trị 86,6%; Sóc Trăng 87,8% và Gia Lai bằng 87,9% so với Hà Nội.

Các địa phương có mức giá thấp trong cả nước phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp.

Thị trường lao động tiệm cận mức trước dịch Covid-19

Về tình hình lao động quý I/2024, báo cáo thống kê cho thấy, lực lượng lao động, số người có việc làm quý này giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.

Quý I, cả nước có 52,4 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên, giảm 137.400 người so với quý trước nhưng tăng 175.800 người so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, giảm 127.000 người so với quý trước, song lại tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, tình hình thất nghiệp quý I có cải thiện. Số người và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức trước đại dịch. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,05 triệu người, giảm 10.3 00 người so với quý trước và tăng 5.400 người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,24%, giảm 0,02% so với quý trước. Đây là mức thường quan sát được ở thị trường lao động Việt Nam khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19.