DNews

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm "quận trưởng"

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Các chiến sĩ quân báo từ chiến khu về Sài Gòn hoạt động muốn có vỏ bọc hợp pháp phải đến gặp "quận trưởng" Lâm Quốc Dũng để nhờ ông cấp thẻ căn cước với thân phận được chuẩn bị sẵn.

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm "quận trưởng"

Ông "quận trưởng" Dũng Râu

Mọi người có mặt tại bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định ồ lên thán phục khi nghe bà Trần Thị Yến Ngọc (còn có tên là Lệ Thu, bí danh Thu Bà Điểm) kể về hành trình hóa thân từ chiến sĩ quân báo tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam thành nữ sinh Sài Gòn, xâm nhập và hoạt động ngay tại lòng địch quá đơn giản.

Bà kể: "Hôm đó tôi được đưa đến gặp ông Dũng Râu. Ông Dũng dẫn tôi đi chụp hình, loay hoay một buổi rồi lấy ra một cái thẻ căn cước có hình tôi, ổng ký cái rẹt vào chỗ đề chữ quận trưởng rồi đưa tôi. Vậy là tôi trở thành cô gái Sài Gòn, xuất thân từ trường Trưng Vương, vợ sĩ quan…".

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm quận trưởng - 1

Thu Bà Điểm và ông "quận trưởng" Dũng Râu gặp lại nhau vào đầu năm 2024 (Ảnh: Tùng Nguyên).

Nhờ tấm thẻ căn cước giả đó, Thu Bà Điểm tận dụng lợi thế trẻ trung, xinh đẹp và kiến thức quân báo được học ở Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao liên cho Bộ chỉ huy tiền phương lực lượng biệt động Sài Gòn. Lúc này, bộ chỉ huy tiền phương đóng tại Phở Bình (số 7 đường Yên Đỗ, nay là đường Lý Chính Thắng) do ông Tư Chu (Anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá Nguyễn Đức Hùng) chỉ huy.

Đặc biệt trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Thu Bà Điểm là mắt xích quan trọng kết nối Bộ chỉ huy tiền phương với các đội biệt động thành được giao nhiệm vụ đánh mục tiêu chiến lược trong nội đô Sài Gòn, đưa thuốc nổ vào thành, chuẩn bị cho trận chiến quan trọng.

Gần 300 thẻ căn cước, giấy tờ giả như thế đã được ông Lâm Quốc Dũng (Dũng Râu) làm cho các chiến sĩ từ căn cứ vào nội đô hoạt động, tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Vì thế, đồng đội gọi vui Dũng Râu là ông "quận trưởng". Chiến sĩ mới được điều về nội đô hoạt động đều được dẫn đến gặp "quận trưởng" Dũng Râu để cấp "giấy căn cước".

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm quận trưởng - 2
Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm quận trưởng - 3

Dũng Râu ngày còn là chiến sĩ biệt động sống trong lòng địch và Dũng Râu bây giờ (Ảnh tư liệu và Tùng Nguyên).

Nhờ những căn cước giả này, hàng trăm cán bộ chiến sĩ kiên trung có thể hoạt động bí mật trong lòng địch và tạo ra nhiều chiến công hiển hách, những trận đánh đi vào lịch sử và đa số họ đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Người bị truy nã cùng "ông trùm biệt động"

Ông Lâm Quốc Dũng sinh ra và lớn lên từ vùng Củ Chi "đất thép thành đồng" nên 14 tuổi đã nhập ngũ, công tác tại Phòng Chính trị Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Ban đầu, thấy ông có năng khiếu hội họa, đơn vị cử ông đi học nghề điêu khắc và in ấn do Ban Tuyên huấn Khu ủy đào tạo với mục đích khắc tranh báo chí, làm công tác tuyên truyền chiến trường.

Phát hiện Dũng Râu có đôi tay quá khéo léo, lãnh đạo đã cử ông đi học nghề làm giấy tờ giả rồi tiếp tục học nghề chụp ảnh, rửa ảnh trong điều kiện hết sức thiếu thốn thiết bị kỹ thuật ở chiến trường.

Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo và sức sáng tạo của mình, Dũng Râu kết hợp các kỹ thuật được học để làm giả hầu hết các loại giấy tờ đang thông hành một cách hoàn hảo, khó lòng nhận ra nếu kiểm tra bằng mắt thường.

Năm 1966, ông được đưa về nội đô phụ trách công tác làm giấy tờ giả, tạo vỏ bọc cho các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đi lại hợp pháp, hoạt động an toàn và công khai trong lòng địch.

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm quận trưởng - 4

Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, ông Dũng làm ra hàng trăm giấy tờ giả (Ảnh: Tùng Nguyên).

Nhờ giấy tờ giả của ông làm ra, không chỉ chiến sĩ biệt động đi lại công khai tại nội đô mà nhiều lãnh đạo các đơn vị trong chiến khu có thể tiến vào đô thành Sài Gòn để thị sát với thân phận hợp pháp.

Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 làm rung chuyển Sài Gòn, lực lượng biệt động bị truy quét, nhiều chiến sĩ phải rút về căn cứ hoặc ẩn mình, tạm ngừng hoạt động.

Người bị Nha Cảnh sát Đô thành chế độ cũ truy lùng gắt gao nhất là ông Tư Chu, người được quân địch ghi danh là "ông trùm biệt động" với thông báo truy nã dán công khai tại trung tâm thành phố.

Người thứ 2 có "vinh dự" được dán thông báo truy nã bên cạnh "trùm biệt động" là Dũng Râu, người đã làm ra hàng trăm giấy tờ giả đưa chiến sĩ vào nội đô nằm vùng.

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm quận trưởng - 5

Ông Dũng được cảnh sát chính quyền cũ đánh giá là nhân vật nguy hiểm số 2 sau "trùm biệt động" Tư Chu (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Lâm Quốc Dũng, trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, nhiều chiến sĩ biệt động hi sinh và Nha Cảnh sát đô thành Sài Gòn thu giữ được giấy tờ tùy thân của họ, phát hiện là giấy tờ giả.

Qua truy xét nghi vấn này, cảnh sát chế độ cũ đã lần theo dấu vết, phát hiện ra nhân vật Dũng Râu được xưng tụng là phù thủy làm giấy tờ giả và tiến hành truy nã ông gắt gao.

Phá giải căn cước Rồng xanh

Thời điểm đó, dù bị truy nã gắt gao nhưng Dũng Râu không hề lo sợ. Với tài nghệ ngụy trang và làm giấy tờ giả của mình, ông vẫn có cách để hoạt động tại nội đô, hỗ trợ tạo thân phận mới cho đồng đội.

Ông Lâm Quốc Dũng tâm sự, ông không lo mình bị truy nã mà lo lắng nhất là chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thay đổi giấy căn cước từ năm 1969, chuyển sang dùng căn cước Rồng xanh để chống làm giả.

Căn cước mới này có hình con rồng màu xanh nằm cuộn mình trong một vòng tròn cùng những họa tiết vô cùng tinh xảo, sắc nét và phát sáng khi đưa vào máy kiểm tra.

Vật tư, công nghệ, thiết kế, in ấn loại căn cước này được làm tại Mỹ, chỉ có công đoạn in tên và lăn tay làm ở Sài Gòn. Nha Cảnh sát Đô thành chế độ cũ tự tin tuyên bố là biệt động không thể nào làm giả được.

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm quận trưởng - 6

Căn cước Rồng xanh làm ông Dũng mất ăn, mất ngủ mấy tháng trời (Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định).

Quả thật, loại căn cước này làm Dũng Râu mất ăn, mất ngủ suốt mấy tháng trời vì bàn tay khéo léo của ông không thể thay thế công nghệ, không thể làm ra hình ảnh con rồng màu xanh chìm trong tờ giấy, phát sáng lên khi chiếu đèn vào.

Theo ông Dũng, giai đoạn trước năm 1968, căn cước mà chính quyền Sài Gòn cấp cho người dân có hai loại, khác nhau về mẫu mã và kích thước nhưng nội dung giống nhau nên làm giả khá đơn giản.

Căn cước của mỗi quận đều có dấu vết bí mật để nhận diện khác nhau, mỗi quận trưởng cũng dùng loại bút riêng để ký vào căn cước… Dũng Râu nghiên cứu cẩn thận từng chi tiết khác biệt ấy, làm giả tỉ mỉ các dấu vết riêng này nên rất khó bị phát hiện.

Tuy nhiên, căn cước Rồng xanh được cấp từ năm 1969 thì rất khó làm giả vì công nghệ in ấn cao cấp.

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm quận trưởng - 7

Ông Lâm Quốc Dũng bên những dụng cụ mà ông từng dùng làm giấy tờ giả đang được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (Ảnh: Tùng Nguyên).

Sau khi mày mò làm giả không được, Dũng Râu chuyển hướng nghiên cứu kỹ quy trình cấp thẻ căn cước Rồng xanh. Ông phát hiện trong quá trình đổi căn cước Rồng xanh, chính quyền cũ cấp cho người dân một giấy biên nhận, có giá trị lưu hành cho đến khi nhận được căn cước mới.

Dũng Râu liền bắt lấy sơ hở này, nghiên cứu làm giả loại giấy chứng nhận tạm thời trên. Kết quả ngoài mong đợi, Dũng Râu đã thành công, chiến sĩ biệt động đi lại thoải mái với loại giấy chứng nhận này.

Từ hướng nghiên cứu trên, ông tiếp tục tìm hiểu và sản xuất hàng loạt loại giấy chứng nhận khác có thể làm giấy tùy thân khi bị xét hỏi như: Giấy chứng nhận hồi hương của Việt kiều Campuchia, giấy nghỉ phép, tờ cớ mất giấy tờ…

Từ đó, các loại giấy tờ giả đa dạng, địch khó phát hiện ra dù số lượng giấy tờ giả được làm nhiều, đảm bảo đưa được càng nhiều chiến sĩ vào nội đô hoạt động.

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm quận trưởng - 8

Chiến sĩ biệt động thành có thể dễ dàng đi lại, liên lạc với nhau là nhờ có giấy tờ giả do Dũng Râu làm ra (Ảnh tư liệu).

Nhờ thế, hoạt động bí mật của ta duy trì được trong giai đoạn 1969-1971. Đến cuối năm 1971, loại căn cước Rồng xanh này mới được làm giả thành công khi gửi ra nước ngoài, sử dụng công nghệ kỹ thuật cao để in ấn, sau đó đưa về nước ghi tên và lăn tay để tạo thành giấy tờ giả.

Ông Dũng kể, trong quá trình làm các loại giấy tờ giả cho lực lượng biệt động thực hiện hàng trăm trận đánh, căn cước Rồng xanh là thử thách lớn nhất mà ông gặp phải. Rất may là giải pháp tạm thời của ông đã thành công.

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn có nghề… làm quận trưởng - 9

Chiến công cả đời ông gắn liền với lực lượng Biệt động Sài Gòn (Ảnh: Tùng Nguyên).

Sai sót nhỏ có thể đưa đồng đội vào chỗ chết

Tuy được gọi là phù thủy, làm giả thành công hàng trăm giấy tờ giả nhưng Dũng Râu chưa bao giờ tự mãn hay chủ quan khi làm nghề.

Ông chia sẻ: "Không bao giờ tôi dám lơ là, cẩu thả mà luôn thận trọng, tỉ mỉ khi làm bất cứ giấy tờ nào. Không được phép sai sót dù chỉ là cách ký tên, nét mực đậm nhạt, dùng sai loại bút… Vì chỉ cần một sai sót nhỏ, quân địch phát hiện ra thì đó sẽ là sai lầm chết người, nguy hiểm cho đồng đội".

Ngày 27/8/2023, khi Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (địa chỉ 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TPHCM) khánh thành, Dũng Râu đã trao tặng bộ "vũ khí" gắn bó suốt quá trình chiến đấu của mình tại nội đô Sài Gòn cho bảo tàng trưng bày.

Đó là bộ dụng cụ gồm dao khắc, bút viết, thước kẻ... Những thứ đơn giản mà ông dùng để làm ra hàng trăm giấy tờ giả cho lực lượng biệt động thành.