Đại biểu Quốc hội đề xuất luật hóa việc thu phí ô tô cá nhân vào nội đô

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Để hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị luật hóa việc thu phí ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong khung giờ nhất định.

Đề xuất này được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đưa ra khi nêu ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ.

Góp ý về các loại phí liên quan đến sử dụng đường bộ, nữ đại biểu đề nghị cân nhắc thu phí với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định.

Pháp lý chưa rõ ràng nên áp dụng dè dặt

Đề xuất này, theo bà Thủy, nhằm hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị.

Bên cạnh đó, việc này cũng bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để chi cho phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Trong đó, Hà Nội, TPHCM đã tiến hành xây dựng các đề án về thu phí nội đô hay phí kẹt xe.

Đại biểu Quốc hội đề xuất luật hóa việc thu phí ô tô cá nhân vào nội đô - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy (Ảnh: Hồng Phong).

Do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt. Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu Luật Đường bộ và Luật Phí, lệ phí quy định chính thức loại phí này và giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương.

Cũng thể hiện sự quan tâm đến việc nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề nghị bổ sung vào luật 1 điều quy định mang tính nguyên tắc: "Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ và giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn".

Theo ông Thịnh, cần khuyến khích việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch hai bên đường để đấu giá, cân đối nguồn vốn trong cùng một dự án.

Đại biểu Quốc hội đề xuất luật hóa việc thu phí ô tô cá nhân vào nội đô - 2

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Ảnh: Hồng Phong).

Vị đại biểu dẫn chứng cùng một tuyến đường cần đầu tư mà hai bên đường có quy hoạch các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp (thuộc diện trường hợp Nhà nước thu hồi đất) thì khuyến khích lập dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường gắn với dự án tạo quỹ đất sạch để đấu giá.

"Với cách làm trên, chúng ta sẽ không thiếu nguồn lực để làm giao thông, phát huy được hình thức đấu giá đất sạch, tăng công khai, minh bạch, phòng ngừa rủi ro tiêu cực", ông Thịnh nói.

Đề nghị không quy định chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ

Quy định tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ cũng là vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đường bộ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên quy định quá chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.

Dự thảo luật quy định, tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ.

Tỷ lệ này phải bảo đảm quy định: đô thị loại đặc biệt 18-26%; đô thị loại I từ 16-24%; đô thị loại II 15-22%...

Đại biểu Quốc hội đề xuất luật hóa việc thu phí ô tô cá nhân vào nội đô - 3

Phiên họp Quốc hội sáng 21/5 (Ảnh: Hồng Phong).

Quy định như vậy, theo bà Thủy, là quá chi tiết và có một số nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong giai đoạn hiện nay, cũng như phát triển đô thị trong tương lai.

Dẫn chứng ở Hà Nội và TPHCM hiện nay, tỷ lệ đất dành cho kết cấu giao thông mới chỉ đạt 13-15%, bà Thủy cho rằng nếu quy định cứng tỷ lệ đất dành cho giao thông như ở dự thảo luật, áp dụng ngay cho các đô thị bao gồm cả đô thị hiện hữu, hình thành mới mà không kèm theo các chế tài, biện pháp bảo đảm thực hiện, sẽ không khả thi.

Mặt khác, nữ đại biểu nêu bối cảnh đất đô thị ngày càng có giá, chi phí phát triển giao thông đô thị ngày càng đắt đỏ. Như Hà Nội dự kiến mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy mà tính toán ban đầu 5.500 tỷ đồng/km.

Bà Thủy cho hay đã có khoảng 10 địa phương có dự kiến quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị, bao gồm cả tàu điện ngầm, trên cao.

"Khi giao thông công cộng, đường sắt hoạt động đồng bộ, diện tích đất dành cho giao thông ở các đô thị không cần giữ ở mức cao như hiện nay mà có thể sử dụng ở các mục đích khác cần thiết, có hiệu quả hơn", bà Thủy nói.

Với phân tích đó, nữ đại biểu đề nghị luật không nên quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị cho từng loại đô thị.

Thay vào đó, chỉ cần quy định tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan của đô thị tương ứng để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của luật.