1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đọ sức mạnh Su-57 của Nga và F-16 phương Tây sắp chuyển cho Ukraine

An Hoàng

(Dân trí) - Ukraine sắp tiếp nhận những máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên từ các đồng minh phương Tây với hy vọng cân bằng sức mạnh trên không trước với Nga.

Đọ sức mạnh Su-57 của Nga và F-16 phương Tây sắp chuyển cho Ukraine - 1

Chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất (trái) và Su-57 của Nga (Ảnh: Wikimedia).

Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối cùng đã có được cái gật đầu từ Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ, những thành viên NATO cam kết cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.

Kể từ đầu tháng 4, Washington và các đồng minh đã huấn luyện phi công Ukraine trên các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất, đồng thời dự kiến bàn giao cho Kiev trong vài tuần tới. Theo ông Zelensky, Ukraine cần khoảng 120 đến 130 chiếc F-16 để có thể cân bằng ưu thế trên không của không quân Nga.

Ukraine kỳ vọng những chiếc F-16 này có hiệu quả sánh ngang với phi đội Su-57 của Nga, dòng chiến đấu cơ đã được Moscow triển khai kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột.

Nhiều ý kiến cho rằng trong khi F-16 mang lại độ tin cậy và tính linh hoạt cao cho hệ thống phòng thủ của Ukraine, Su-57 của Nga cũng đặt ra thách thức đáng kể mặc dù số lượng còn hạn chế và chương trình phát triển gặp nhiều trở ngại. 

Điều này có nghĩa là Su-57 không chắc sẽ hoạt động ở những điểm nóng xung đột trên chiến trường Ukraine.

Su-57: Khả năng tàng hình và công nghệ tiên tiến

Đọ sức mạnh Su-57 của Nga và F-16 phương Tây sắp chuyển cho Ukraine - 2

Máy bay chiến đấu Su-57 của Nga (Ảnh: Getty).

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga được trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến, động cơ điều khiển vec-tơ lực đẩy 3 chiều và hàng loạt vũ khí đa dạng.

Theo các tài liệu quân sự của Nga, Su-57 có thể bay với tốc độ "gấp đôi vận tốc âm thanh", độ cao tối đa khoảng 18km và tầm hoạt động lên tới 2.900km.

Các vũ khí đi kèm bao gồm tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar hoặc dẫn đường hồng ngoại, tên lửa không đối đất không điều khiển, bom thường, bom chùm và pháo 30mm.

Máy bay chiến đấu tàng hình 2 động cơ này được tập đoàn Sukhoi phát triển vào đầu những năm 2000 và có nguồn gốc từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ đó, Liên Xô định vị tầm quan trọng của các máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của phi đội Su-27 và MiG-29 trong các hoạt động quân sự mang tính chiến thuật.

Tuy nhiên, Su-57 gặp trở ngại là chậm trễ trong sản xuất và nhiều vấn đề về hiệu suất, đặc biệt là về động cơ và tính năng tàng hình. Một số chuyên gia không quân cho rằng loa phụt động cơ tròn có thể khiến máy bay bị radar phát hiện, làm suy yếu chức năng tàng hình.

Bất chấp những nhược điểm trên, Su-57, được NATO định danh là "Felon", vẫn mang những lợi thế nhất định so với F-16 Fighting Falcon. Tạp chí chuyên ngành quốc phòng National Interest nhận xét Felon thế hệ thứ 5 có thể đồng bộ hóa với radar mặt đất, mang lại lợi thế nhìn thấy trước, bắn trước so với máy bay đời cũ hơn.

F-16: Tính linh hoạt và cơ động

Đọ sức mạnh Su-57 của Nga và F-16 phương Tây sắp chuyển cho Ukraine - 3

Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất (Ảnh: AFP).

F-16 Fighting Falcon được biết đến với ưu điểm linh hoạt và cơ động. Vũ khí này đã đóng vai trò chủ lực trong lực lượng không quân của nhiều quốc gia kể từ cuối những năm 1970.

F-16 ban đầu được thiết kế như một chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không hạng nhẹ và dần phát triển thành tiêm kích đa năng có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Tính linh hoạt của F-16, kết hợp với việc được nâng cấp trong nhiều năm, từ hệ thống radar, điện tử hàng không tới vũ khí tiên tiến, đã tạo ra một máy bay chiến đấu mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tác chiến đường không hiện đại.

F-16 có thể bay với vận tốc trên 2.400km/h và hoạt động ở độ cao lên tới 15km, thấp hơn một chút so với Su-57. Bán kính chiến đấu của F-16 Falcon khoảng 350km với nhiên liệu bên trong và tầm bay chuyển sân lên tới 3.200km với thùng dầu phụ treo ngoài.

Các máy bay phản lực của Mỹ cũng được trang bị hệ thống radar nâng cấp như AN/APG-66, giúp chúng theo dõi mục tiêu cả trên không lẫn mặt đất từ cự ly gần 100km. F-16 được trang bị nhiều loại vũ khí lớn và đa dạng hơn so với MiG-29 hoặc Su-57, bao gồm tên lửa, bom và vũ khí chống radar.

Các tiêm kích này sẽ thay thế phi đội MiG-29, Su-24 và Su-25 đang dần kiệt quệ của Kiev, những dòng chiến đấu cơ mà đối thủ của họ đã nắm rõ từ lâu.

Tuy nhiên, báo cáo của Văn phòng Kế toán Tổng hợp Mỹ năm ngoái đã cho F-16 vào danh sách những máy bay quân sự khó bảo trì nhất. Mark Cancian, cựu Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ kiêm cố vấn cấp cao Trung tâm Chương trình An ninh Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng đây có thể là thách thức đối với Ukraine khi tiếp nhận F-16.

"Để F-16 hoạt động hiệu quả, Ukraine cần xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng hậu cần rộng rãi. Điều này bao gồm việc đào tạo phi công, thiết lập các hệ thống bảo trì, tiếp nhiên liệu và cung cấp đạn dược", ông Cancian cho biết.

Đồng thời, chuyên gia này cho rằng: "F-16 sẽ không phải là yếu tố có thể ngay lập tức thay đổi cuộc chơi".

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine