“Ôsin” và thể diện quốc gia

Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố Indonesia sẽ dừng chương trình đưa phụ nữ nước này ra nước ngoài giúp việc nhà để “giữ lòng tự trọng quốc gia”.

“Ôsin” và thể diện quốc gia

Nhiều phụ nữ khi làm việc ở nước ngoài đã bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại, bị bạo lực nhưng không được trả lương

Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Indonesia lên tiếng về việc hạn chế phụ nữ Indonesia ra nước ngoài làm việc. Năm 2012, cựu tổng thống Bambang Yudhoyono cũng từng cam kết sẽ tạo thêm 1 triệu việc làm để khuyến khích lao động giúp việc nhà Indonesia ở nước ngoài quay về nước.

Tuyên bố trên, của vị Tổng thống Indonesia không khỏi khiến chúng ta suy nghĩ về những phụ nữ Việt đang lưu lạc nơi xứ người, làm “osin” trên đất khách.

Theo số liệu Cục quản lý lao động nước ngoài, lao động nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chiếm 37,5% trong tổng số 100.000 lao động (năm 2014). Dù không có con số thống kê chính thức số lượng phụ nữ Việt ra nước ngoài làm giúp việc, nhưng chắc chắn con số đó không hề nhỏ trong nhiều năm qua.

Tại một cuộc hội thảo gần đây, do Cục quản lý lao động ngoài nước tổ chức, Phó Cục trưởng Phạm Viết Hương thừa nhận, mặc dù số lượng lao động nữ VN đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng nhưng hiện chưa có chính sách riêng đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài. Các quy định pháp luật và chính sách hiện nay áp dụng chung cho hai giới, không có những chính sách đặc biệt dành riêng cho nữ giới.

Bởi vậy, những khó khăn và rủi ro mà lao động nữ gặp phải khi làm việc ở nước ngoài thường nhiều hơn lao động là nam giới. Nhiều phụ nữ khi làm việc ở nước ngoài đã bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại, bị bạo lực nhưng không được trả lương. Khi về nước, chị em cũng gặp khó khăn trong tái hòa nhập, khó tiếp cận các dịch vụ, nhất là dịch vụ về hỗ trợ giải quyết việc làm.

Thừa nhận rằng, lòng tự tôn dân tộc, niềm kiêu hãnh và sự quyết tâm bảo vệ phẩm giá con người, dân tộc nào cũng cần, đất nước nào cũng muốn có. Nhưng tất nhiên, nó không tự dưng có được mà cần phải được cả Chính phủ và người dân đồng lòng dựng xây và gìn giữ.

Chia sẻ với DĐDN, TS Nguyễn Lê Minh - Chuyên gia kinh tế lao động cho rằng, dòng chảy lao động tại vùng Đông Á có hai đặc tính.

Một là, những nước thành công trong chiến lược phát triển kinh tế là những nơi ngày càng nhập khẩu nhiều lao động. Trong đó, một số nước có kinh nghiệm xuất khẩu lao động trong thời gian ngắn như Hàn Quốc và Thái Lan nhưng đã sớm chuyển vị trí sang nước nhập khẩu. Hai là, những nước đã xuất khẩu lao động từ rất sớm và hiện nay còn tiếp tục xuất khẩu với quy mô lớn là Philippines, Indonesia và Việt Nam.

Cũng theo TS Minh, một nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn hầu hết, nếu không nói là tất cả, là những nước nghèo, và do đó hình ảnh của những nước này không mấy sáng sủa trên vũ đài thế giới. Ông Minh dẫn chứng, do tích cực đầu tư sang Việt Nam, hiện nay (tính đến cuối năm 2014) số người Hàn Quốc sinh sống tại nước ta lên tới hơn 15 vạn.

Ngược lại, tại Hàn Quốc hiện nay (cuối năm 2012) có hơn 12 vạn người Việt Nam đang sinh sống, trong đó gần 26.000 người cư ngụ bất hợp pháp. Ngoài vài ngàn người là sinh viên du học, hầu hết người Việt tại Hàn Quốc là lao động giản đơn hoặc phụ nữ kết hôn với người bản xứ mà theo nhiều nguồn tin trong đó một số không nhỏ đi làm dâu xa vì lý do kinh tế.

Như vậy có sự tương phản trong quan hệ Việt - Hàn: người Hàn Quốc đến Việt Nam là để làm chủ trong khi người Việt Nam đến Hàn Quốc là để làm thuê. “Người Việt làm thuê cả ở xứ mình và xứ người”- TS Minh chia sẻ.

Chính phủ Indonesia đã không bỏ mặc để công dân họ loay hoay tự bảo vệ phẩm giá của mình. Họ đã quyết tâm để cùng người dân làm điều đó. Liệu Việt Nam có thể làm được như họ không?
Theo Mai Thanh/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Nguồn: http://dddn.com.vn/lang-kinh/osin-va-the-dien-quoc-gia-20150515031220751.htm