Chuyển cơ quan điều tra vụ "Vỡ mộng du học Nhật Bản"

Nguồn tin từ tỉnh Bình Dương (BD) hôm 29.5 cho biết: Sau khi Thanh tra BD thanh tra toàn diện hoạt động của Cty CP Đầu tư và Phát triển Trí Việt (trụ sở tại Đại lộ BD, TP Thủ Dầu Một, tỉnh BD), đến nay, Thanh tra BD đã hoàn tất kết luận thanh tra và chuyển toàn bộ hồ sơ Cty Trí Việt sang cơ quan điều tra xác minh theo quy định của luật pháp.

Chuyển cơ quan điều tra vụ Vỡ mộng du học Nhật Bản
Một phụ huynh (trái) phải cất công đi khiếu nại Cty Trí Việt để đòi lại tiền đã nội cho Cty Trí Việt, thay cho con.

Tháng 11.2014, báo Lao Động đã khởi đăng loạt bài “Vỡ mộng du học Nhật Bản”, trong đó, phản ánh những tố cáo từ hàng loạt học viên ở nhiều vùng miền, tố cáo Cty Trí Việt đã nhận từ các học viên từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/1 người, với cam kết tư vấn, đưa họ sang du học ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Cty Trí Việt đã không thực hiện đúng cam kết, khiến nhiều học viên bị mất tiền, vỡ mộng du học Nhật Bản v.v…

Sau loạt bài của Lao Động, ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (BD), phụ trách khối văn xã – đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh BD, chỉ đạo kiểm tra toàn bộ sự vụ.

Trong khi đó, về phía Cục đào tạo với nước ngoài – thuộc Bộ GDĐT, cũng có văn bản gửi Sở GDĐT các tỉnh – thành: TPHCM, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Bình. Theo đó, Cục đào tạo với nước ngoài cho rằng loạt bài “Vỡ mộng du học Nhật Bản” đăng trên báo Lao Động phản ánh thông tin Viện đào tạo ngôn ngữ và nhân lực Việt – Nhật (VJI), thuộc Cty CP đầu tư và phát triển Trí Việt, có dấu hiệu lừa đảo và thiếu trách nhiệm trong công tác tổ chức đưa công dân VN đi học tại nước ngoài. Thông tin trên đã gây bức xúc trong xã hội và có ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hợp tác, hoạt động trao đổi giáo dục tốt đẹp giữa VN và Nhật Bản.

Để ngăn chặn kịp thời tình trạng nêu trên, đồng thời đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động tư vấn du học và quyền lợi chính đáng của những công dân VN có nguyện vọng đi học tại nước ngoài, Bộ GDĐT đang xác minh các thông tin đã nêu trên trong bài báo.

Bộ GDĐT cũng đề nghị Sở GDĐT các tỉnh – thành trên tổ chức kiểm tra hoạt động dịch vụ tư vấn du học của VJI, thuộc Cty Trí Việt trên địa bàn quản lý; đồng thời xử lý và chấn chỉnh các sai phạm theo quy định hiện hành. Sau đó, các Sở GDĐT phải báo cáo kết quả kiểm tra và các giải pháp khắc phục tình trạng mà báo Lao Động đã nêu, về Bộ GDĐT.
Cuối tháng 11.2014, nhiều học viên đổ về chi nhánh Cty Trí Việt tại TP HCM để đòi lại tiền

Cuối tháng 11.2014, nhiều học viên đổ về chi nhánh Cty Trí Việt tại TP HCM để đòi lại tiền
Được biết, vào ngày 23.12.2014, Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế (TT-H) đã có văn bản số 2898/SGDĐT-GDTX, gửi Trường cao đẳng sư phạm TT-H, Trưởng trung cấp Âu Lạc Huế và Trung tâm HN,DN và GTVL thanh niên TT-H. Theo đó, Sở GDĐT tỉnh TT-H cho biết: Qua kiểm tra xác minh sơ bộ, bước đầu Sở GD-ĐT nhận thấy 3 trường nêu trên và ông Hoàng Như Bằng (ngụ số 74 Tạ Quang Bửu, phường Thuận Thành, TP Huế) có ký hợp đồng hợp tác với Cty Trí Việt, liên quan đến chương trình du học và tư vấn xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh TT-H.

Sở GDĐT tỉnh TT-H chỉ đạo 3 trường nêu trên và ông Hoàng Như Bằng “chấm dứt ngay việc thực hiện hợp đồng hợp tác với Cty Trí Việt, về chương trình du học và tư vấn xuất khẩu lao động”.
Theo Báo Lao Động