“Nói lời yêu thương - Không bây giờ thì còn lúc nào?”

Trong những ngày cuối năm tất bật trước Tết Ất Mùi 2015, Phó giáo sư - Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn đã trải lòng những trăn trở, nhận định của mình về phản ứng của giới trẻ ngày nay trong các vấn đề tình cảm gia đình.

Cuộc sống hối hả có thể làm cho con người bị cuốn theo những dòng chảy mới, kiềm giữ cảm xúc cho chính mình, lặng lẽ hơn, thể hiện bằng những hành động nhiều hơn lời nói. Không hẳn điều này không tốt, nhưng chiếc cầu của cảm xúc đôi lúc được vẽ nên rất nhạt màu…

Đã bao lâu rồi bạn chưa nói lời yêu cha mẹ? Đã bao nhiêu lâu, bạn quên ôm nồng ấm với mẹ cha, đã bao nhiêu lần trong năm bạn quên nhắc mẹ cha phải ngủ sớm hơn, ăn sáng đầy đủ? Đó là những câu hỏi khảo sát về sự biểu hiện cảm xúc với gia đình mà chúng tôi thực hiện trong năm 2014. Kết quả thật đáng để suy ngẫm! Có đến hơn 70% bạn trẻ tuổi từ 18 đến 25 ít nói yêu thương cha mẹ sau năm 12 tuổi. Có đến hơn 62% bạn trẻ không còn ôm cha mẹ như xưa sau tuổi dậy thì. (*) Và cuộc chuyện trò hàng ngày hay cuối tuần của con cái và cha mẹ bớt dần đi những lời yêu thương, trìu mến…

“Nói lời yêu thương - Không bây giờ thì còn lúc nào?”
Phó Giáo sư - Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết có đến hơn 70% bạn trẻ tuổi từ 18 đến 25 ít nói yêu thương cha mẹ sau năm 12 tuổi

Dòng chảy của cuộc sống song hành với dòng chảy tâm lý của sự trưởng thành. Khi trưởng thành, con người càng lúc ngần ngại khi nói những lời yêu thương dù tình cảm có thể vẫn tràn đầy. Người Việt thường rất yêu quý gia đình và trân trọng đấng sinh thành. Vì vậy, càng có xu hướng quan tâm gia đình và cha mẹ trong những dịp lễ tết. Việc trao tặng quà cho cha mẹ trong những dịp xuân về tết đến như tấm lòng thành từ con cháu đến ông bà cha mẹ… Nhưng liệu rằng bao nhiêu đó có đủ và đầy cho sự mong mỏi của tình thương?

Trong cái se lạnh của đất trời, mỗi người đều nô nức chào đón mùa Tết đến. Cơ hội của sự bày tỏ yêu thương lại về. Nào bánh mứt, nào trà rượu để có thể biểu lộ sự trân trọng dành cho đấng sinh thành. Cha mẹ vui lắm khi thấy con về, thấy gia đình sum họp. Vui hơn khi thấy con cái hiếu thảo biết nghĩ đến ông bà, cha mẹ bằng món quà ý nghĩa. Chúng ta hay thấy, cứ mỗi khi Tết đến xuân về, nắm bắt tâm lý ấy, mọi quảng cáo trên ti vi cũng hòa cùng một sắc màu chung đỏ rực, ấm sực tình thân, thúc giục con người ta tìm về gia đình sum họp. Nhưng, trong số đó, mấy ai nói được rằng sum họp hay quà tặng thôi chưa đủ, lời yêu thương còn lắm ngại ngùng phải tìm cách nói ra thôi. Bởi nếu không bây giờ, còn mấy cơ hội về sau?

Người ta có thể hành động thương yêu nhưng nói lời thương yêu không dễ. Vì những rào cản tâm lý, vì những thói quen tích cực về bảy tỏ cảm xúc bị bỏ sót, vì những sự tự vệ của cái tôi dựng dậy theo thời gian. Năm nay, tôi tâm đắc với thông điệp của một quảng cáo truyền tải thông qua bộ cốc yêu thương với lời thúc giục giới trẻ hãy mau chóng nói lời yêu thương với bố mẹ. Thoát khỏi những mô-tuyp quảng cáo Tết thường thấy, năm nay, chiến dịch của Vinacafé đã tinh tế chạm đến những giá trị nhân văn cốt lõi trong tình cảm gia đình.


Quảng cáo Tết ngắn gọn, nhẹ nhàng, nhưng trong tiếng cười có “đọng” lại được những trăn trở. Yêu thương đôi lúc chỉ cần cảm nhận. Nhưng kiệm lời yêu làm cho màu sắc của yêu thương sẽ dễ nhạt nhòa. Nếu bạn kiệm mãi lời yêu thương, hay chần chừ nói lời yêu thương, biết đâu bạn không chỉ mất hơn một cơ hội mà thậm chí mất trọn vẹn những cơ hội bộc bạch cảm xúc của chính mình. Mùa xuân là mùa của đổi thay. Năm nay, hãy để cha mẹ cảm nhận được tình yêu của bạn. Có nhiều cách, nhưng nếu muốn những rung cảm của cha mẹ sẽ dài bất tận, hãy để tình yêu thương của bạn được bật lên thành tiếng hay được gói gém bởi ngôn từ: con thương ba lắm, con thương mẹ lắm!

(*): Số liệu khảo sát biểu hiện cảm xúc của sinh viên tại TP HCM

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam