Diễn viên vở “Sài Gòn” xúc động khi được diễn cho khán giả Việt Nam

(Dân trí) - Các diễn viên Maud le Grevellec (vai Madame Gauthier), Pierric Plathier (vai Antoine), Nguyễn Phú Hậu (vai Linh lúc trẻ)… cũng như các diễn viên đều cảm thấy xúc động, không thể diễn tả được cảm xúc khi khán giả tại Việt Nam đón nhận và dành nhiều tình cảm cho vở kịch «Sài Gòn » trong lần đầu tiên được diễn tại Việt Nam.

Dấu ấn vở kịch “Sài Gòn” do nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyen thực hiện khi đến Việt Nam đã vượt qua khỏi khuôn khổ của chuỗi sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp sau 2 đêm diễn vào ngày 21- 22/9 vừa qua.

Trong cả hai đêm, vở kịch “Sài Gòn” đều cháy vé khi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, nhà hát Bến Thành chật kín khán giả Việt Nam và Quốc tế đến để thưởng thức. Rất nhiều khán giả Pháp bày tỏ sự yêu thích đặc biệt dành cho Sài Gòn.
Trong cả hai đêm, vở kịch “Sài Gòn” đều cháy vé khi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, nhà hát Bến Thành chật kín khán giả Việt Nam và Quốc tế đến để thưởng thức. Rất nhiều khán giả Pháp bày tỏ sự yêu thích đặc biệt dành cho "Sài Gòn".
Vở diễn kết thúc với những tràng pháo tay kéo dài, dàn diễn viên phải chạy ra chào khán giả đến 3 lần mà khán giả vẫn chưa muốn về.
Vở diễn kết thúc với những tràng pháo tay kéo dài, dàn diễn viên phải chạy ra chào khán giả đến 3 lần mà khán giả vẫn chưa muốn về.
“Sài Gòn” kể lại cuộc đời của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm. Đó là một cuộc du hành trong không gian và thời gian, từ Việt Nam qua Pháp, từ năm 1956 - khi những người Pháp cuối cùng tại Sài Gòn về nước đến năm 1996 - khi Việt Nam cho phép những người Việt kiều về thăm quê hương.
“Sài Gòn” kể lại cuộc đời của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm. Đó là một cuộc du hành trong không gian và thời gian, từ Việt Nam qua Pháp, từ năm 1956 - khi những người Pháp cuối cùng tại Sài Gòn về nước đến năm 1996 - khi Việt Nam cho phép những người Việt kiều về thăm quê hương.

Ngay sau đêm diễn, nam diễn viên người Pháp Pierric Plathier (vai Antoine) cho biết, lần biểu diễn ở Việt Nam là suất diễn quan trọng nhất trong toàn bộ chuyến lưu diễn của đoàn. Anh nói: “Mọi người làm việc rất nhiều để chuẩn bị cho suất diễn ở Việt Nam. Tôi rất khó diễn tả cảm xúc bởi khi vở kết thúc tôi vẫn còn tâm trạng trong vai diễn”.

Nam diễn viên người Pháp Pierric Plathier
Nam diễn viên người Pháp Pierric Plathier

Anh cũng bất ngờ chia sẻ, cuộc sống của anh dù trong hay ngoài vở diễn đều liên quan đến Việt Nam, người vợ hiện tại của anh là diễn viên Nguyễn Phú Hậu cũng là diễn viên trong đoàn.

“Ban đầu trước khi diễn tại Việt Nam mọi người đều rất chờ đợi phản ứng của khán giả Việt Nam. Sau 2 đêm diễn, chúng tôi rất bất ngờ với phản ứng của khán giả, khi khán giả cười, khóc theo những gì chúng tôi thể hiện trên sân khấu đã là một sự thành công”, nam diễn viên Pierric Plathier chia sẻ thêm.

Cũng như Pierric Plathier, nữ diễn viên Maud le Grevellec (vai Madame Gauthier) cho biết chị cũng rất xúc động trước tình cảm của khán giả dành cho “Sài Gòn”.

Maud le Grevellec vào vai người vợ có chồng là quan chức cấp cao của Pháp, bà đã giúp một người phụ nữ Việt Nam tìm thông tin về đứa con trai bị mất tích khi tham gia quân đội Pháp. Khi hai người phụ nữ phải đối thoại với nhau về thông tin người con trai đã mất nhưng bà mẹ người Việt không biết, đi tìm trong gần 20 năm đã mang đến nhiều sự xúc động cho khán giả.

Diễn viên Maud le Grevellec
Diễn viên Maud le Grevellec

Diễn viên Maud le Grevellec cho biết, để hoàn thành vai diễn này chị cần đến 3 yếu tố. Thứ nhất, với tư cách người phụ nữ chị thấu hiểu được nỗi đau của người phụ nữ trong thời gian dài bặt vô âm tín con trai – một nỗi đau rất lớn; Thứ hai với vai trò người Pháp, chị hiểu rằng chính người Pháp đã gửi người con trai đó sang Pháp làm việc và bị mất tích, chị cũng hiểu đó là trách nhiệm của người Pháp nên cảm thấy xúc động; Thứ 3, là một người mẹ, chị hiểu nỗi đau của người phụ nữ đi tìm con trai nên chị đã thể hiện được trọn vẹn hơn cảm xú khi thông báo tin tức cho người mẹ khác về tin con bà đã mất.

“Ngoài xung đột về chính trị, vở “Sài Gòn” ẩn chứa những câu chuyện nhân văn giữa con người với con người, giúp người ta vượt qua tất cả. Vở diễn này với cái chết của người con trai đó chính là chi tiết hóa giải xung đột giữa người Pháp và người Việt Nam. Tôi cảm thấy rất xúc động khi thể hiện câu chuyện đó là diễn viên, đặc biệt xúc động hơn nữa khi diễn điều này cho khán giả Việt Nam”, nữ diễn viên rất xúc động khi chia sẻ về vai diễn của mình, về tình cảm của khán giả tại Việt Nam dành cho “Sài Gòn”.

Diễn viên Phúc Hậu (vai Linh lúc trẻ) chia sẻ khi vở “Sài Gòn” được lưu diễn tại Việt Nam, chị cho biết, trong gần 100 suất diễn thì khi diễn ở Việt Nam mang đến cho chị nhiều cảm xúc nhất. “Điều tôi chờ đợi trong gần 2 năm để được quay về Việt Nam, diễn cho khán giả Việt Nam xem, tất cả các bạn Việt Nam đều như tôi”, Phúc Hậu cho biết.

Diễn viên Việt Nam Nguyễn Phú Hậu (vai Linh lúc trẻ) đã đi lưu diễn cùng đoàn 2 năm, đây là lần đầu tiên Phú Hậu được diễn tại Việt Nam nên cô rất xúc động
Diễn viên Việt Nam Nguyễn Phú Hậu (vai Linh lúc trẻ) đã đi lưu diễn cùng đoàn 2 năm, đây là lần đầu tiên Phú Hậu được diễn tại Việt Nam nên cô rất xúc động

Phú Hậu chia sẻ thêm: “Với dàn diễn viên người Việt cảm giác khác lạ lắm. Những lúc chúng tôi nói tiếng Việt, khán giả phản ứng khiến chúng tôi cảm thấy rất mãn nguyện vì tại đây khán giả cảm nhận được hết những gì muốn truyền tải. Còn khi diễn ở các nước, chạy phụ đề họ cũng không hiểu hết được nên cảm xúc không đầy”.

Trong số các khán giả đến xem “Sài Gòn”, có không ít các diễn viên nổi tiếng của Việt Nam. NSƯT Kim Xuân cho biết, “Sài Gòn” mang đến cho chị nhiều cảm xúc. Cũng với vai trò là diễn viên, chị còn nhìn được nhiều yếu tố chuyên môn trong vở diễn của nghệ sĩ quốc tế. Chị nói: “Đây là vở có lối kể chuyện thú vị, họ khéo léo khi xử lý kỹ thuật. Tôi thích cách chuyển cảnh của họ, cực kỳ hợp lý. Họ hoàn toàn sử dụng tiếng nói thật nhờ cách thiết kế âm thanh của sân khấu bọc lại. Tôi ước ao các sân khấu kịch của mình cũng có được trang bị đầy đủ như thế. Vở diễn trong thời gian dài nhưng xem không chán, tay nghề đạo diễn rất giỏi”.

NSƯT Kim Xuân cho biết, vở Sài Gòn đã khiến chị rất xúc động
NSƯT Kim Xuân cho biết, vở "Sài Gòn" đã khiến chị rất xúc động

Ngoài ra, khi nói về diễn xuất, NSƯT Kim Xuân cảm thấy diễn viên Việt Kiều và diễn viên Pháp diễn quá tốt. Còn các diễn viên trẻ khi đặt cạnh diễn viên nước ngoài vẫn còn nhiều sự chênh lệch. Diễn viên tự đặt lời thoại nên những phần hay và sâu sắc thuộc về những diễn viên tên tuổi, có kinh nghiệm.

Trong thời gian qua, rất nhiều chương trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Pháp đã diễn ra, nhưng vở “Sài Gòn” đã để lại dấu ấn đặc biệt không chỉ trong lòng khán giả Việt Nam mà còn với cả diễn viên của cả hai nước. Ngoài yếu tố văn hóa, chính tình người trong vở diễn ở giai đoạn lịch sử đặc biệt đã tạo nên cảm xúc cho người xem.

Băng Châu