Canh tôm đất lá lủi

(Dân trí) - Các món ăn dân giã như canh tôm đất lá lủi có thể giúp tăng cường sức khoẻ, phòng và chống được nhiều bệnh tật, đây cũng là món ăn ngon thuộc hàng hiếm bởi rau lủi không phải dễ tìm.

Rau lủi thường mọc hoang hoặc được trồng làm rau ăn và làm thuốc. Rau lủi còn có tên gọi khác là kim thất, thuộc loại bò trườn, chiều dài trên 1m, thân nhẵn với nhiều cành. Lá mọc so le, cuống ngắn, đầu lá nhọn, mép khía răng cưa không đều, lá dày, nhẵn mọng nước và có mùi thơm đặc trưng như mùi thuốc Bắc.
 
Canh tôm đất lá lủi   
Canh tôm đất lá lủi               

Theo Đông y, rau lủi có vị cay ngọt thơm, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, tán ứ tiêu thũng, chỉ khái. Được sử dụng trị viêm họng, ho, phong tê thấp khớp, xương đau nhức, chấn thương sưng đau, bong gân, nhọt độc, loét dạ dày, táo bón, an thần, trị chứng chóng mặt, nhức đầu, cầm máu, điều hoà huyết áp…

Tôm đất còn búng, rửa sạch, bóc vỏ, bỏ đầu, rút chỉ tôm. Đem ướp với một chút hạt nêm, nước mắm ngon, hành băm khoảng 15 phút.

Lá lủi rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ.

Phi hành thơm, trút tôm đã ướp vào xào sơ. Cho nước nóng lượng vừa dùng vào, đun to lửa. Khi canh trào lên vài ba dạo, tiếp tục cho lá lủi. Canh sôi trở lại, nêm nếm gia vị vừa miệng là được.

Canh ngọt mềm; tôm săn chắc, thơm bùi. Rau lủi chín tới, xanh tự nhiên, ăn hơi nhớt nhưng giòn, sừn sựt thoảng mùi hương “thuốc Bắc”. Thanh đạm, bình dị nhưng thật khó quên!

Xuyến Chi