Bún mắm cua Pleiku

(Dân trí) - Bún mắm cua là món ăn đường phố đáng tự hào của người dân phố núi Pleiku.. Món ăn là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, rau sống.... với nước cua lên men đậm mùi.

Không phải ai cũng có thể chịu được mùi mắm đó nên món ăn này khá kén người ăn, tuy nhiên, đây là đặc sản của phố núi Pleiku mà du khách khi đến đây khó có thể bỏ qua.


“Đã đến Pleiku nhất định phải ăn món bún mắm cua ‘thối’ mới gọi là đến Pleiku”, đây là câu mà người địa phương quan niệm khi giới thiệu món ăn này . Người dân Pleiku cho biết, món ăn này được du nhập từ những người Bình Định. Khi bỏ biển lên đây lập nghiệp, người ta mang theo món bún này. Người ta nói vị đặc trưng của nó một phần do dân biển vốn ăn cay, mặn, một phần để chống lại cái lạnh khi lên phố núi. Còn cua phải ủ cho đến khi lên mùi hơi khó ngửi, nên nhiều người gọi vui là thối để phân biệt với bún riêu cua hay các món cua khác chứ thật ra mắm cua có mùi lên men chua.

Bún mắm cua
Bún mắm cua

Một món bún khá kén người ăn nhưng để làm được một bát bún mắm cua ngon không phải là việc đơn giản, đòi hỏi người làm cũng hết sức kỳ công mới chế biến ra được món ăn này. Nguyên liệu chế biến món ăn này cũng rất phong phú, bao gồm: cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả hoặc nem, da lợn chiên giòn, bánh phồng tôm, các loại gia vị ớt, mắm nêm, rau ăn kèm như: giá, bắp chuối, xà lách, ngổ, kinh giới, rau thơm… Cua đồng là thành phần quan trọng nhất của món ăn này nên người bán thường lựa chọn cua rất kỹ. Theo kinh nghiệm của người làm nghề thì ở đây vào mùa mưa, cua đồng sẽ nhiều, thịt cua ngọt và chắc hơn mùa khô.

Một đặc sản của người dân phố núi
Một đặc sản của người dân phố núi

Món bún mắm cua muốn ăn hôm nay phải làm cua từ ngày hôm trước. Cua đồng mua về, rửa qua nhiều nước, sau đó nhúng qua nước sôi (để cua không kẹp tay người làm, không làm chín). Sau đó bóc bỏ mai, lấy phần thịt giã nhuyễn, lọc qua rây, lấy nước, bỏ xác, thêm một ít muối, ủ kín qua một đêm. Khi nước cua đã đủ độ chua thì được đem chế biến thành món bún mắm cua. Thịt ba chỉ xào săn lại, đến khi nước sôi thì cho măng tươi xào cho săn, rồi cho nước cua đã ủ vào, nấu sôi kỹ, nêm thêm mắm nêm, đường, bột ngọt vừa ăn.

Khi ăn cho bún vào tô, chan nước mắm cua, măng và thịt ba chỉ vào. Tùy theo sở thích của mỗi người, có người khi ăn cho thêm chả, nem chua hay bóng lợn cắt nhỏ chiên giòn, bánh phồng tôm nhưng nhất định phải có trái ớt tươi và dĩa rau sống gồm: xà lách, húng thơm, ngổ, quế, giá, và bắp chuối. Một ít chanh sẽ làm vị nhã đi, nhưng phải quen thì mới cảm nhận được cái “chất”, vị đậm đà của món ăn. Khi đưa vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được mùi nồng đặc trưng của mắm cua hòa quyện cùng vị mặn từ vị giác , xen lẫn vị thơm của các loại rau, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da heo… tất cả đã tạo nên một món ăn rất hấp dẫn đầy lôi cuốn.

Không thể phủ nhận cái cảm giác rất khó ăn khi lần đầu thưởng thức món bún mắm cua này nhưng một khi bạn đã bị chinh phục bởi món ăn này thì khi đi xa, bạn chắc chắn sẽ rất nhớ món ăn này đấy. 

Thanh Hằng