Yêu cầu xử lý tình trạng đường phố TPHCM ngập sâu cả mét nước

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện các Quy hoạch tiêu thoát nước và chống ngập úng khu vực TPHCM. Thời gian qua, các khu vực quận 6, 8, 11... thường ngập úng nặng nề mỗi khi mưa lớn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện các báo cáo về tình hình thực hiện các Quy hoạch liên quan đến tiêu thoát nước, chống ngập úng khu vực TP.HCM để báo cáo Thủ tướng trong tháng 6 này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị báo cáo chung về phương án giải quyết chống ngập cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. HCM báo cáo việc thực hiện Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM.
Cảnh tượng dễ gặp ở TPHCM mỗi lần mưa lớn.
Cảnh tượng dễ gặp ở TPHCM mỗi lần mưa lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các báo cáo trên cần nêu rõ mục tiêu đặt ra tại quyết định phê duyệt; kết quả thực hiện cho đến nay, số vốn đã đầu tư theo các nguồn vốn, những kết quả tiêu thoát nước, giảm ngập đã đạt được; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thách thức đặt ra và kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể trong thời gian tới, dự kiến kết quả đạt được theo từng giai đoạn, nhu cầu vốn đầu tư và đề xuất nguồn vốn đầu tư.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì làm việc cụ thể với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án xử lý vốn đối với từng dự án đầu tư thuộc các Quy hoạch tiêu thoát nước và chống ngập úng khu vực TP.HCM.

Từ nhiều năm trở lại đây, mỗi khi xảy ra mưa lớn, kết hợp với những đợt triều cường dâng cao, nhiều khu vực tại TPHCM như: quận 6, 8, 11, Tân Phú, Bình Tân... lại rơi vào tình trạng ngập úng nặng nề. Nhiều tuyến đường ngập đến cả mét nước, xe cộ lưu thông hết sức khó khăn; nước tràn vào nhà khiến đời sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thời gian qua, để hạn chế tình trạng ngập nước trên địa bàn, TP.HCM đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án chống ngập do mưa và triều cường. Thực tế, việc đầu tư này cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, nhiều khu vực đã hết ngập hoặc giảm ngập như khu vực đường Cô Bắc-Cô Giang, (Quận 1), khu vực trước Nhà hát Hòa Bình (Quận 10), khu vực bùng binh Cây Gõ (Quận 6)...

Tuy nhiên, khi vừa xóa điểm ngập này, nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố lại tiếp tục phát sinh điểm ngập khác, trong đó phát sinh nhiều nhất là những điểm ngập ở khu vực ngoại thành. Cụ thể, theo kết quả khảo sát thực tế của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến cuối năm 2014, toàn Thành phố có tới 33 điểm tái ngập và 29 điểm ngập mới phát sinh.

Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, mặc dù một số dự án chống ngập trên địa bàn Thành phố như Tân Hóa-Lò Gốm, cùng một số dự án chống ngập khác trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành nhưng tình trạng ngập vẫn thường xảy ra bởi diễn biến bất thường của thời tiết.

Tính riêng trong năm 2014, tại TP.HCM xảy ra 2 trận mưa lớn với lượng mưa khoảng 100mm, kéo đỉnh triều tại Thành phố lên tới mức kỷ lục 1,68m - vượt quá thiết kế so với hầu hết các công trình chống ngập hiện nay.

Bên cạnh nguyên nhân nêu trên, việc lấn chiếm nghiêm trọng sông, kênh, rạch; việc xây dựng nhà cửa, tạo ra những con đường như những con đê ngăn nước như đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập…; rồi việc tính toán sai mức độ dâng của nước, độ lún của nền địa chất Thành phố cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập đang ngày càng nghiêm trọng.

P.Thảo