Ý kiến luật sư về vụ công nhân bị tông chết khi đình công

(Dân trí) - Văn phòng Luật sư INTERLA (Hà Nội) đã cử 3 luật sư tham gia bảo vệ miễn phí cho gia đình chị Nguyễn Thị Liễu, nạn nhân trong vụ bảo vệ lái xe tông chết công nhân đình công.

Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Thị Lam Hồng, Phó trưởng Văn phòng Luật sư INTERLA về vụ việc trên. 

Theo luật sư, có đủ dấu hiệu để truy tố đối tượng Lê Tuấn Minh tội “Giết người” không?

Theo lời khai của đối tượng Lê Tuấn Minh, sau khi nhận được điện thoại chỉ thị của Trưởng phòng tổ chức hành chính công ty Giai Đức yêu cầu phải đưa bằng được xe ô tô vào công ty, dù không có bằng lái, Lê Tuấn Minh vẫn nhảy lên xe tải đâm thẳng vào đám đông.
 
Ý kiến luật sư về vụ công nhân bị tông chết khi đình công  - 1
Di ảnh chị Nguyễn Thị Liễu.

Xét thấy, về mặt chủ thể, Minh hiện là nhân viên của một công ty bảo vệ chuyên nghiệp có đầy đủ năng lực hành vi hình sự và phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Về mặt khách thể, hành vi của Minh đã xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của nhiều người khác. Về mặt khách quan và chủ quan, đây là hành vi cố ý và hoàn toàn trái pháp luật.

Bên cạnh đó, khi thực hiện hành vi dùng xe cơ giới đâm thẳng vào đám đông phía trước, Minh đã biết và pháp luật buộc Minh phải biết là sẽ có thể gây ra cái chết cho nhiều người, nhất là khi mọi người đang đứng và ngồi rất đông, rất khó có thể tránh được sự nguy hiểm do xe cơ giới gây ra khi vận hành. Tuy nhiên, Minh vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, hành vi của Lê Văn Minh đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội Giết người với tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm l, khoản 1, điều 93 Bộ luật Hình sự: “bằng phương pháp có thể làm chết nhiều người”.

Trong công văn số 02/CV-GĐ ngày 10/07/2011, trả lời đơn của gia đình nạn nhân, công ty Gia Đức đã khẳng định: “mặc dù sự việc xảy ra tại công ty chúng tôi nhưng người gây nên tai nạn đó là ông Lê Tuấn Minh (người được công ty bảo vệ cử đến làm việc tại công ty chúng tôi theo hợp đồng đã ký giữa chúng tôi và công ty bảo vệ). Do vậy người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình chị Nguyễn Thị Liễu phải là người có hành vi gây ra thiệt hại”. Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình chị Nguyễn Thị Liễu trong vụ án này thuộc về ai?

Điều 618 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
 
Ý kiến luật sư về vụ công nhân bị tông chết khi đình công  - 2
Hiện trường vụ việc thương tâm.

Mặc dù Lê Tuấn Minh là nhân viên của công ty bảo vệ được cử sang công ty Giai Đức làm việc nhưng khi xảy ra sự việc đình công, theo lời khai của Minh, chính Trưởng phòng tổ chức hành chính của công ty Giai Đức đã chỉ thị cho Minh bằng mọi giá phải đưa được vào phía trong công ty. Đây chính là mệnh lệnh trực tiếp của cấp trên đối với cấp dưới.

Vì vậy, Công ty Giai Đức không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Trong vụ án này, công ty Giai Đức là nơi Lê Tuấn Minh trực tiếp làm việc và gây án cũng như công ty bảo vệ nơi Lê Tuấn Minh ký kết Hợp đồng lao động đều phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân là việc làm phù hợp với quy định của pháp luật.

Mặt khác, cũng cần phải xem xét đến trách nhiệm của chủ xe tải và lái xe Đinh Văn Toàn trong vụ việc thương tâm này. Theo quy định pháp luật, xe tải là xe cơ giới là một nguồn nguy hiểm cao độ. Việc quản lý, vận hành xe tải phải tuân theo quy định của pháp luật. Nếu như để xảy ra thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chủ sở hữu hoặc người quản lý phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Điều 623 Bộ luật dân sự quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.

Thưa luật sư, đối với bà Trưởng phòng tổ chức hành chính, người đưa ra chỉ thị phải đưa bằng được xe vào trong công ty có phải chịu trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm dân sự trong vụ án này không?

Hiện nay, chưa có kết luận chính thức của Cơ quan Điều tra về cuộc điện thoại chỉ thị Minh phải bằng mọi cách đưa xe vào Công ty là của cá nhân nào. Tuy nhiên, người đưa ra mệnh lệnh đó hẳn cũng biết đám đông công nhân đang án ngữ cổng công ty, và chỉ có một cách duy nhất là cố tình nổ máy chạy bừa qua đám đông mới vào được mà thôi. Và thực tế đã xảy ra như thế.

Như vậy, người đưa ra mệnh lệnh nhận thức rõ hậu quả có thể xảy ra. Chúng tôi đang nghiên cứu trách nhiệm của trường hợp này và sẽ trình bày cụ thể tại phiên tòa sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Xin cảm ơn luật sư?

Vũ Văn Tiến (thực hiện)