Xử nghiêm đảng viên vi phạm giúp cán bộ tự điều chỉnh hành vi

(Dân trí) - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, 90 năm qua, nhờ kiên trì tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trí tuệ, bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Theo ông Bình, thực tiễn trong chín thập kỷ qua cho thấy, Đảng luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng - nhiệm vụ then chốt, quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về xây dựng Đảng.

Bốn cuộc chỉnh đốn Đảng

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho rằng, một trong những điểm nhấn của Cương lĩnh, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc được chú trọng là công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Cụ thể, trong công cuộc đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 8 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, trong đó có 4 cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, Nghị quyết 03 Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng được ban hành ngày 26/6/1992, có thể coi là cuộc chỉnh đốn Đảng lần thứ nhất, khi sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã làm thay đổi lớn cục diện chính trị thế giới, đặt cách mạng nước ta trước những thời cơ mới và những thách thức mới.

Xử nghiêm đảng viên vi phạm giúp cán bộ tự điều chỉnh hành vi - 1

Ông Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương

Theo ông Bình, những thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới đã chứng tỏ đường lối của Đảng là đúng đắn, cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện sáng tạo đường lối của Đảng. Tuy nhiên, thời kỳ này, Đảng cũng bộc lộ những khuyết điểm và nhược điểm, có những khuyết điểm đang trở thành nguy cơ không thể xem thường.

Cụ thể, Nghị quyết 03 nêu rõ “Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa hư hỏng. Tệ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi vung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại lớn, làm tổn hại thanh danh, uy tín của Đảng”.

Nghị quyết 10, ngày 2/2/1999, Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, được đánh giá là cuộc chỉnh đốn Đảng lần thứ hai. Cuộc chỉnh đốn này với nhiệm vụ trọng tâm là phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.

Cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng lần thứ ba được đánh dấu bởi sự ra đời của Nghị quyết 12, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết khẳng định, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Một số vấn đề cấp bách nổi lên trong giai đoạn này là: “Một bộ phân không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.

“Thực hiện các giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất, Đảng đã lãnh đạo cuộc chỉnh đốn Đảng với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị”, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Nghị quyết 04 này 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, được coi là cuộc chỉnh đốn Đảng lần thứ tư.

Cuộc chỉnh đốn Đảng lần thứ tư này với mục tiêu nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và đề ra các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng…

Tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, các cuộc chỉnh đốn Đảng đã mang lại những kết quả tích cực ở nhiều mặt. Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh và có chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước những tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tận tụy với công việc được giao.

Bên cạnh đó, việc xử lý kỷ luật nghiêm minh những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác.

Ông Bình cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm. Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, đã thi hành kỷ luật 70 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng…

“Những kết quả nổi bật trên góp phần quan trọng làm cho Đảng đoàn kết hơn, vững mạnh hơn, trong sạch hơn và niềm tin của nhân dân đối với Đảng được tăng cường hơn. Qua đó, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Quang Phong