Xóm “giày nhếch” giữa lòng thủ đô

Đi dọc theo những lối ngõ ngoằn ngoèo, lổn nhổn đất đá và lác đác kim tiêm dẫn vào khu tập thể Dược ven đường Nguyễn Khánh Toàn, tôi đã đến được xóm giày “nhếch”.

Trời se sắt lạnh, những ngôi nhà tạm vẹo vọ trong xóm cũng như co rúm lại, rét run. Đám trẻ đầu xóm ngơ ngác nhìn người khách lạ. Chúng đã là thế hệ thứ hai sinh ra từ xóm này. Sinh ra từ đây, lớn lên từ đây và có lẽ sẽ lại sinh nhai ở đây. Những công dân nhí của xóm giày “nhếch” này cũng giống như số phận của mỗi đôi giày mà bố mẹ chúng chế lại. Những thân phận lủi thủi, tha hương vì cơm áo độ nhật và không biết tới bao giờ có thể hồi hương.

 

Ngụp lặn tìm… giày nát

 

Tối tối, nếu để ý, bạn sẽ thấy trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên hay góc phố Đê La Thành đầu Ô Chợ Dừa, dù là ngày hè nóng nực hay giữa mùa đông tê tái vẫn là những sạp giày cũ tấp nập người bán kẻ mua. Giá thì cực rẻ, khoảng trên dưới 100 nghìn một đôi và những người đến mua giày chủ yếu là công nhân lao động hoặc học sinh, sinh viên vốn chẳng có nhiều tiền. Sinh nhai nơi đầu hè cuối phố, thi thoảng, những chủ sạp giày cũng bị trật tự phường tuýt còi, phải ôm cả mẹt giày mà chạy đến là thương.

 

Đó là chuyện ngoài vỉa hè và những người đến mua giày có lẽ cũng chẳng ai cần nghĩ đằng sau những đôi giày “nhếch” ấy có cả một xóm “bờ bụi” chuyên kiếm sống bằng nghề độ giày ven đường Nguyễn Khánh Toàn.

 

Lang thang nghe chuyện, tôi cũng biết được rằng, sự ra đời của nghề giày “nhếch” khá đặc biệt, gắn liền với những người đàn bà từ tận miền biển Xuân Trường, Nam Định lên thủ đô mưu sinh. Ban đầu, họ quần tụ với nhau quanh những xóm trọ nhếch nhác dọc bờ kênh này… hình thành nên cả một đội quân đi thu mua đồng nát. Dần dần, mỗi khu lại phân hóa làm những nghề khác nhau mà tất cả đều có đặc điểm chung là gắn liền với những thứ người ta đã vứt bỏ.

 

Xóm giày “nhếch” cũng nằm trong số đó. Là một trong những người đầu tiên “khai sinh” ra công việc này, tính đến nay, chị Trần Thị Hà, 41 tuổi đã có đủ 7 năm “bám đế giày” kiếm sống. Chị kể: “Ngày đầu làm cái nghề thu mua đồng nát này, chúng tôi thấy có những đôi giày chỉ hỏng đế, bong da hoặc hơi cũ sờn mà người ta đã vứt đi. Tiếc của trời, chị em bảo nhau giữ lại. Sau này nhiều lên, một số người mới nghĩ ra cách sửa lại đem bán”. Dần dần, thấy chỉ cần bỏ công thu lãi, nhiều người cũng bắt đầu học hỏi kỹ nghệ “độ giày” mưu sinh và quần tụ với nhau thành một xóm. Và đến giờ, xóm ấy đã có 21 nóc nhà với hơn 40 nhân khẩu.

 

Những người phụ nữ đang mông má” lại giày cũ

Những người phụ nữ đang "mông má” lại giày cũ

 

“Sao người ta lại gọi là xóm giày nhếch?”, tôi hỏi chị Hà. Chị thở dài bảo: “Nhếch là nhếch nhác. Xóm toàn rác rưởi nhặt về vừa bừa bộn, vừa hôi thối, người ta gọi là “nhếch” có khi cũng là may”.

 

Chị Hà, mắt vẫn còn đỏ vằn vì thiếu ngủ uể oải rót nước mời tôi. Đoạn, người đàn bà chừng 30 tuổi ấy lại phệt ngay xuống trước cửa nhà cắm cúi với đống giày đang làm dở. Xung quanh chị ngổn ngang những dùi đục, chỉ khâu, đế cao su và giày, dép rách. Tôi ngửa cổ nhìn lên trần nhà lợp tạm bằng fibrô xi măng thấy lốm đốm trời. Căn nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ đặt chênh vênh trên cái chậu nhựa úp ngược. Còn lại là tràn ngập những giày mẹ, giày con, đùm nọ bọc kia tràn ra tận cửa. Căn phòng dù mở cửa vẫn nồng lên mùi xi mới đánh và mùi khăn khẳn của rác lâu ngày.

 

Một ngày của xóm thường bắt đầu từ tờ mờ sáng. Muộn nhất là 4 rưỡi, tất cả phụ nữ già trẻ trong cái xóm nhỏ này đều lục tục trở dậy, kẽo kẹt đạp xe tỏa ra các phố. Đường vắng tanh in rõ hình những bóng người xiêu vẹo trong sương.

 

Bất kể thời tiết, những người phụ nữ ấy vẫn phải gò mình đi tìm mua những đôi giày “phế phẩm”. Nơi làm việc của họ là những điểm tập kết đồng nát, sắt vụn ở khu vực Cầu Giấy. Khi những bao tải đủ thứ tạp nham được đổ xuống, công cuộc giành giật bát cơm, manh áo bắt đầu. Họ nhào lên cào bới, hối hả nhặt nhạnh, ngụp lặn trong rác rưởi bằng tất cả sức lực của mình.

 

Cả mấy tiếng tìm kiếm, may mắn lắm, mỗi người cũng chỉ “tuyển” được chục đôi giày “bãi”. Giày “bãi” nên giá cũng bèo, nếu bán sang tay luôn thì cũng chỉ khoảng 5.000-20.000 đồng/đôi, nếu bỏ công mông má “lên đời” thì đôi giày thường bán 30.000-90.000 đồng/đôi.

 

Đội quân nhặt giày về đến nhà cũng là khi trời vừa sáng hẳn. Lúc này, những người đàn ông của xóm mới trở mình thức dậy. Và công việc tiếp theo cũng được chuyển giao cho họ. Cánh đàn ông, đêm hôm trước thức muộn dọn hàng, giờ uể oải xách đống giày dép vợ con mang về ra phân loại: Nhóm hỏng đế, nhóm đứt quai, nhóm rách da, sờn vải… để bắt đầu công đoạn “phẫu thuật thẩm mỹ” cho giày cũ.

 

“Phẫu thuật thẩm mỹ” cho giày

 

Anh Trần Văn Toàn (Xuân Trường, Nam Định), chồng chị Hà cũng là một trong những người có thâm niên “độ giày” lâu nhất xóm. Anh Toàn bị thọt chân bẩm sinh, người nhỏ thó như chiếc kẹo mút và đi lại thì cứ giật đùng đùng. Vừa thả đống giày đã được phân loại vào một chậu lớn đầy bọt xà phòng, anh vận sức đảo đều như... rang lạc. Bước đầu tiên sau khi đã được phân loại, tất cả giày sẽ được “tắm” qua một lượt cho sạch bong, sau đó mới đem phơi phóng.

 

Ở trong xóm ấy, tầm 7 giờ sáng chính là lúc lao động cao điểm trong ngày. Xung quanh hai cái bể nước to bằng cả gian nhà đã chật cứng người lớn, trẻ con. Họ chen chúc nhau bên những chiếc chậu nước đen ngòm. Trong ấy là lổn nhổn giày.

 

Chị Hà nhanh tay phân loại đống giày cũ nát, giày nam, giày nữ, giày da, giày vải, dây giày… vứt vào từng cái chậu khác nhau. Cầm mớ bàn chải và đống giẻ lau lớn bé trên tay, chị bắt đầu công đoạn “tắm” cho giày.

 

Lúc này, giày được phân loại thêm một lần nữa. Những đôi hỏng hẳn được xếp gọn cho những người phụ nữ của xóm tận dụng các bộ phận còn dùng được như: đế, quai, gót… Còn lại, hỏng đâu sửa đấy. Mất đế thì thay đế, dép hỏng quai thì khâu lại…

 

Ở trước cửa nhà, anh Toàn đang nhễ nhại mồ hôi gò lưng mài đế giày. Bàn tay anh sứt sẹo, nứt nẻ, dày cộp lên từng tảng vì dính keo. Chỉ một loáng, cái đế giày mòn vẹt trong tay anh bỗng phẳng lì. Công đoạn cuối cùng là làm mới. Xi đánh giày, máy làm bóng và các loại sơn màu được sử dụng tối đa.

 

Qua 4 công đoạn ấy, những chiếc giày rách, cũ tưởng yên vị trong đống phế thải ngất ngưởng ven sông bỗng dưng trở thành “hàng mới”. Để rồi, đêm đêm, những người phụ nữ trong xóm lại tất tả mang giày bày bán dọc 2 bên vỉa hè đường Nguyễn Khánh Toàn.

 

“Công bỏ ra nhiều thế, nhưng bù lại bán cũng được, vì giá tương đối thấp, chỉ từ 30.000 đến hơn 100.000 đồng/đôi. Một tháng chịu khó lắm vợ chồng cũng bỏ dôi ra được 2 triệu”, chị Hà nói.

 

Nhọc nhằn mưu sinh

 

Cả xóm sống bằng nghề nhặt giày, “độ” giày, bởi vậy giày cũng là tài sản lớn nhất của hơn 30 con người ở đây. Vào nhà ai cũng thấy giày được bó thành từng đống, nằm lổn nhổn khắp nơi. Những ngày nắng, khoảnh sân nhỏ của xóm bỗng biến thành một sân kho… phơi giày. 30 con người gắn bó với giày đến độ, trong trận lụt năm ngoái, khi nước tràn vào nhà, họ để giày nằm chỗ khô ráo, còn mình thì chấp nhận hứng mưa. Trước khi “di tản” họ cũng phải đóng kín cửa để không cho giày trôi đi mất.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, xóm còn có những đứa trẻ cũng được sinh ra và lớn lên cùng đống tài sản “đồ sộ” ấy của bố mẹ.

 

Bé Thoa, năm nay 3 tuổi đã được mẹ đưa lên Hà Nội từ khi chưa đầy năm. Đến bây giờ, bé đã có thể phụ mẹ đi tranh giày buổi sớm với các cô, các chú khác. Với Thoa, những chiếc giày người khác vứt đi lại là cả một thế giới rộng mở, có lẽ sẽ là bài học kiếm sống đầu đời của cháu. Khi chúng tôi đến, Thoa đang chơi đồ hàng với mấy đứa bé cùng xóm. Các bé lấy giày lớn làm nồi niêu, dép nữ làm chảo và dép lê là quầy hàng di động. Thậm chí, đến lúc chụp ảnh, các bé cũng cầm mỗi tay một chiếc giày… làm dáng.

 

Chị Phượng, mẹ bé ngậm ngùi bảo: “Lắm lúc cũng thương con, nhưng bố mẹ đã lên đây nên cháu cũng đòi theo. Anh chị chỉ mong cháu không phải làm tiếp cái nghề ba cọc, ba đồng này. Cực lắm…”.

 

Giống như Thoa, bé Hiếu 14 tháng tuổi nửa năm nay cũng đã từ Hòa Bình xuống ở cùng cha mẹ. Tối tối, khi bố mẹ bán giày, Hiếu lại bò lổm ngổm quanh sạp giày vỉa hè. Lắm lúc hàng bán đến đêm khuya, Hiếu lại lăn ra ngủ một giấc, mặc kệ kẻ mua, người bán.

 

Chuyện học hành của trẻ em xóm này cũng là điều rất nhiều người lo lắng. Thông thường, đến tuổi vào lớp 1, mấy đứa nhỏ được đưa về quê gửi họ hàng rồi học hành luôn ở đó. Học được dăm ba chữ, hết cấp 1 có khi lại theo bố mẹ lên thủ đô kiếm sống. Học hành với các em lúc ấy chẳng còn quan trọng.

 

Nói về xóm giày “nhếch”, anh Trần Văn Thuyết, cán bộ hộ tịch phường Quan Hoa, Cầu Giấy khẳng định: “Những hộ dân ở đây đều đăng ký tạm trú, tạm vắng đầy đủ, thuê nhà sống chứ không sống chui rúc, tạm bợ như trước đây. Dù biết rằng, khu vực này đều là những người dân nghèo, làm ăn lương thiện nhưng chúng tôi vẫn luôn đề phòng những đối tượng nghiện ngập lợi dụng nơi này để tụ tập hút chích, gây mất trật tự an ninh địa phương”.

 

Đêm đã về khuya, xóm giày “nhếch” trở nên tĩnh mịch. Ngồi lặng im trong bóng tối, bên đứa con nhỏ đang ngủ ngon lành, chị Lan, mẹ bé Hiếu thở dài nhìn trời lây phây mưa. Ở giữa thủ đô nhưng cái thế giới nheo nhóc này của chị khác hẳn với xa hoa ánh đèn và ngược xuôi xe cộ. Bây giờ khi con đã ngủ say, công việc còn lại trong ngày của chị sẽ là cất những đôi giày đang sửa lên gác cao hơn, phòng khi trời mưa lớn.

 

Theo Vũ Minh Tiến
 Petrotimes