TPHCM:

Xe ôm không được hoạt động riêng lẻ

(Dân trí) - Để quản lý tốt hơn hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô hai bánh (gọi tắt là xe ôm), TPHCM dự định buộc những người hành nghề xe ôm phải vào các nghiệp đoàn, không được hoạt động riêng lẻ.

Xe ôm không được hoạt động riêng lẻ - 1
Người hành nghề xe ôm phải vào nghiệp đoàn để có biển hiệu và trang phục.

Trước đây, để hạn chế tình trạng xe ôm hoạt động bát nháo, “chặt chém” hành khách và nhiều kẻ gian giả dạng xe ôm để trấn lột tài sản của người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị các tỉnh, TP phải quản lý các đối tượng hành nghề này bằng cách cấp biển hiệu, đồng phục…

Sau đó, quy định này chính thức được công nhận bằng Thông tư số 8/2009/TT-BGTVT ban hành ngày 23/6/2009 và có hiệu lực từ ngày 28/7/2009. Thông tư trên quy định “người điều khiển phương tiện (xe ôm - PV) phải có biển hiệu hoặc trang phục do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định để nhận biết với các đối tượng tham gia giao thông khác”.

Tuy nhiên, thông tư này vẫn chưa thực sự đi vào đời sống vì có quy định nhưng chưa có chế tài xử phạt đối tượng không chấp hành quy định trên.

Mãi đến ngày 2/4/2010, Chính phủ ban hành nghị định 34/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mới có điều khoản “cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ chở hành khách, hàng hóa không có biển hiệu hoặc trang phục theo quy định”. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/5/2010.

Để nghị định trên đi vào cuộc sống, UBND TPHCM dự định bắt buộc những người hành nghề xe ôm phải gia nhập các đơn vị quản lý như tổ, đội, nghiệp đoàn và có đăng ký tại UBND quận - huyện chứ không được hoạt động riêng lẻ như lâu nay. Các tổ, đội, nghiệp đoàn này sẽ được cấp biển hiệu hành nghề, mẫu trang phục, logo đơn vị và sắp xếp các điểm đỗ, đón khách.

Chỉ khi tất cả những đối tượng hành nghề xe ôm vào các đơn vị quản lý thì việc cấp biển hiệu, trang phục thống nhất mới khả thi. Và khi đó, chính quyền địa phương mới dễ dàng nắm được các đối tượng hành nghề xe ôm nhưng không vào các nghiệp đoàn, tức là hoạt động không có biển hiệu, trang phục. Từ đó, quy định xử phạt trong nghị định 34 mới có thể thực hiện được. Hiện quy định này đang được lấy ý kiến người dân.

Tuy nhiên, có một thực tế là các đối tượng hành nghề xe ôm ở TPHCM chủ yếu là những người trong thời gian thất nghiệp, nhàn rỗi sử dụng phương tiện cá nhân (xe gắn máy) để chở hàng hóa, hành khách kiếm thêm thu nhập. Do vậy, hầu hết đều hoạt động cá thể, mang tính thời vụ, khó kiểm soát và khó buộc họ tham gia các nghiệp đoàn.

Một CSGT tại Trạm 2 cho hay: “Tại làng ĐH Thủ Đức thỉnh thoảng cũng có nhiều sinh viên tranh thủ thời gian rảnh ra các trạm xe buýt dọc Xa lộ Hà Nội chạy xe ôm kiếm thu nhập, làm sao bắt các em vào nghiệp đoàn? Làm sao phân biệt em nào đang chờ đón người thân hay đang hành nghề xe ôm mà xử phạt?”.

Những đối tượng như trên, chính quyền địa phương rất khó quản lý, cơ quan chức năng khi áp dụng nghị định 34 cũng rất khó. Vì khi họ hành nghề, CSGT khó có thể xác định họ là xe ôm hay người dân đang lưu thông bình thường.

Các đối tượng trên mới là lực lượng khó kiểm soát nhưng lại chưa thấy có quy định, biện pháp khả thi để quản lý, xử phạt.

Tùng Nguyên