"Xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TPHCM"

(Dân trí) - Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), khí thải từ xe máy đang là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TPHCM. Cụ thể, xe máy “đóng góp” 90% lượng CO, 65,4% NMVOC, 37,7% bụi và 29% NOx.

Cần quyết liệt kiểm soát khí thải xe máy

Chiều 19/4, tại buổi tọa đàm "Tám về môi trường: Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Lựa chọn nào cho tương lai?" diễn ra tại TPHCM, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí - Viện Môi trường và Tài nguyên, cho biết: “Chất lượng không khí TPHCM đã bị ô nhiễm, đang và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân thành phố”.

Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, bắt đầu từ năm 2017, Viện đã tiến hành chương trình quan trắc chất lượng không khí, kiểm kê khí thải tại hàng loạt điểm trên khắp TPHCM; sau đó sử dụng chương trình mô phỏng, phân vùng xả thải để cho ra kết quả này. Từ kết quả quan trắc, các chuyên gia tại Viện Môi trường và tài nguyên đã sử dụng hệ mô hình TAPM - CTM (Úc) để xây dựng nên các bản đồ ô nhiễm không khí tại TPHCM.

Xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TPHCM - 1

Nhân viên Viện Môi trường và Tài nguyên tỏa khắp thành phố khảo sát và quan trắc ô nhiễm không khí

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất tại TPHCM, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO của toàn TPHCM, 97% NMVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa metan), 93% NOx (khí thải hình thành từ quá trình đốt khí Nitơ), 78% SO2 (lưu huỳnh điôxit), 46% bụi và 64% CH4 (metan). Và “dẫn đầu bảng xếp hạng” gây ô nhiễm là xe máy. Cụ thể, chỉ riêng xe máy đã “đóng góp” 90% lượng CO, 65,4% NMVOC, 37,7% bụi và 29% NOx.

Xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TPHCM - 2
Xe máy "đóng góp" nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí, người đi xe máy cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

PGS.TS Bằng nhận định: “Xe gắn máy là phương tiện phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất. Vì vậy Trung ương cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm định khí thải cho tất cả xe gắn máy chứ không chỉ xe từ 175 cm3 trở lên”.

Giải pháp hạn chế xe máy cũng là 1 biện pháp cần tính đến, vì phương tiện giao thông cá nhân phát triển quá nhanh không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.

Ông Bằng lấy ví dụ: từ những thông số thu thập được, Viện Môi trường và Tài nguyên đưa ra dự báo là ô nhiễm không khí do giao thông đường bộ gây ra đến năm 2025 sẽ tăng thêm 49%, đến năm 2030 tăng 79%. Tuy nhiên, nếu cứ có thêm 1 tuyến metro thì sẽ giảm được 3% nguồn phát thải ô nhiễm từ giao thông nhờ lượng người chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng tàu điện.

Xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TPHCM - 3

“Dẫn đầu bảng xếp hạng” gây ô nhiễm là xe máy

Nhận thức đúng và quyết tâm cao

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho rằng: “Chất lượng không khí TPHCM đã bị ô nhiễm, cần thực hiện nghiên cứu, xác định tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng và kinh tế thành ph. Ô nhiễm không khí TPHCM ngày càng trầm trọng và tương lai sẽ càng tăng nếu chúng ta không có các mục tiêu cụ thể, các hành động kịp thời”.

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, đồng tình với ý kiến của PGS.TS Bằng. Theo ông, chất lượng không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam đang ở mức báo động, người dân ngày càng nhận thức rõ vấn đề này và nhà nước cần giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí.

Điều ông lo ngại nhất là ô nhiễm bụi, bởi đây là nguồn ô nhiễm mà người dân TP đang đối mặt khi phải ra đường hàng ngày. Đặc biệt là loại bụi mịn PM2.5 mà ngành y tế đang khuyến cáo rất độc hại vì nó gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng, trong khi đó các loại khẩu trang thông thường hầu như không ngăn được loại bụi này vì đường kính của nó chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc.

Xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TPHCM - 4

Bụi mịn PM2.5 rất độc hại vì nó gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng, trong khi đó các loại khẩu trang thông thường hầu như không ngăn được loại bụi này

TS Hoàng Dương Tùng cho là nhà nước đã có rất nhiều chính sách, làm rất nhiều việc ngăn chặn ô nhiễm không khí nhưng thực tế là hệ thống văn bản pháp quy rất nhiều nhưng chưa sát sao, hiệu quả thực thi còn chưa tốt và quyết tâm chính trị chưa cao.

Ông lấy ví dụ như Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” đã có từ năm 2010 nhưng đến nay chưa triển khai hoàn tất. Hay như việc TPHCM trước đây có 9 trạm quan trắc chất lượng không khí nhưng đã hỏng từ 8 - 9 năm nay; TP cũng không đầu tư sửa hay thay mới nên đến nay TPHCM không có trạm nào hoạt động.

TS Hoàng Dương Tùng nói: “Mỗi ngày TPHCM thu thuế đến cả ngàn tỷ đồng, không lẽ 1 trạm quan trắc giá 8 tỷ đồng cũng không đầu tư được? Việc này không có lý lẽ nào giải thích được ngoài việc nhận thức chưa đúng về vấn đề ô nhiễm không khí và quyết tâm chính trị ngăn chặn vấn đề này chưa cao”.

Xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TPHCM - 5

TPHCM không còn trạm quan trắc chất lượng không khí nào hoạt động

Theo ông, đã đến lúc thay đổi nhận thức, nhận thức đúng về nguy cơ ô nhiễm không khí và quyết tâm cao hơn trong các hành động nhắm ngăn chặn ô nhiễm không khí vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Nếu không, tương lai rất gần là chất lượng không khí ở các thành phố lớn của chúng ta sẽ như Băng Cốc (Thái Lan), Bắc Kinh (Trung Quốc)...

NHỮNG CON SỐ "NGUY HIỂM"

TPHCM không còn khả năng tiếp nhận khí thải đối với CO, NOx tại một số khu vực trung tâm.

Kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm không khí cho trường hợp hiện trạng cho thấy nồng độ cao nhất của CO, NO2 và O3 đã vượt QCVN 05 2013 từ 1,1 lần (O3) đến 1,5 lần (NO2).

Dự báo phát thải đến năm 2025 và 2030, mức tăng phát thải dự báo năm 2025 là gần 40% cho các chất (trừ SO2 và TSP có mức tăng chậm hơn với 30% và 28% tương ứng). Năm 2030 tăng so với năm 2017 là từ 40 đến 50% cho các chất (đối với NMVOC và CO là đến 65%).

Tùng Nguyên