Thanh Hóa:

Xây nhà trên đất nông nghiệp, chết không có nơi chôn vì..."vướng" quy hoạch!

(Dân trí) - Không mảnh đất cắm dùi, thậm chí khi chết không có đất chôn, muốn có đất sản xuất phải đi thuê, muốn xây nhà phải làm trên đất nông nghiệp… Đó là một thực tế đáng buồn của người dân thôn Húng, xã Giao Thiện, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) khi nơi này đang bị quy hoạch rừng phòng hộ.

Chôn người chết trong rừng phòng hộ

Làng Húng, là địa điểm cao, xa, heo hút và khó khăn nhất của xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh. Nơi này, hiện có 122 hộ dân, với hơn 420 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái) sinh sống tách biệt hẳn với phần còn lại của xã Giao Thiện.

Làng Húng chưa có điện lưới Quốc gia, chưa có sóng điện thoại, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm một nửa trong tổng số hộ dân nơi đây. Hầu như gia đình nào cũng thiếu đất để sản xuất, trồng cây, gieo lúa.

Xây nhà trên đất nông nghiệp, chết không có nơi chôn vì...vướng quy hoạch! - 1
Xây nhà trên đất nông nghiệp, chết không có nơi chôn vì...vướng quy hoạch! - 2

Người chết phải mượn đất của Ban quản lý rừng phòng hộ để chôn.

Điều đặc biệt ở ngôi làng này không phải cho đến giờ nơi này vẫn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại... mà ở lạ ở chỗ người dân sống trên mảnh đất không được cấp sổ đỏ, người chết phải chôn nhờ đất rừng phòng hộ, đất sản xuất phải đi thuê mới có.

Nguyên nhân xuất phát từ việc, vùng đất mà người dân làng Húng đang sinh sống ổn định hàng trăm năm lại được quy hoạch vào khu vực rừng phòng hộ.

Một người dân làng Húng mong muốn: “Nguyện vọng của người dân nơi đây là mong các cấp chính quyền nhanh chóng có biện pháp để cấp đất ở, đất sản xuất cho chúng tôi. Người dân đã sinh sống ổn định bao đời nay chứ có phải xâm chiếm đất rừng phòng hộ đâu. Chúng tôi sống phải có đất để ở, đất sản xuất, chết phải có đất chôn”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Vi Thanh Hùng, Trưởng thôn không khỏi buồn rầu tâm sự: “Người dân làng Húng chúng tôi đã sinh sống ổn định nơi đây nhiều đời, qua hàng trăm năm. Thế nhưng giờ đây lại trong cảnh sống trên mảnh đất không được cấp sổ đỏ, khi làng có người chết phải đi chôn nhờ đất rừng phòng hộ”.

Theo ông Hùng, từ khi làng Húng “bị” quy hoạch vào đất rừng phòng hộ, thì 48 hộ dân làng phải thuê đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh để làm kinh tế.

“Như gia đình tôi thuê được 5ha đất, sau 7 năm trồng thì thu hoạch một lứa keo, chúng tôi phải trả phí thuê đất là 10 triệu đồng. Khi thu hoạch cây keo, cũng phải cam kết bán cho Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh” - ông Hùng cho biết.

Còn nếu người trong làng qua đời, người dân lại phải mượn đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh, mới có nơi chôn cất.

Theo thống kê của trưởng thôn Húng, trong số 122 hộ dân ở làng, thì có khoảng 40% được cấp “sổ đỏ” cho mảnh đất gia đình đang sinh sống.

Các hộ còn lại do nhà ở nằm trong khu vực rừng phòng hộ, nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Nhiều gia đình muốn vay vốn ngân hàng để làm kinh tế, nhưng không có “sổ đỏ” để thế chấp với ngân hàng.

Xây nhà trên đất nông nghiệp, chết không có nơi chôn vì...vướng quy hoạch! - 3

Người dân dù biết san đất nông nghiệp để làm nhà là vi phạm nhưng không vi phạm thì không biết ở đâu.

Cũng vì sinh sống trên đất rừng phòng hộ, người dân làng Húng không thể cải tạo đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Khi nhà ở hư hỏng, xuống cấp, muốn thuê máy móc về cải tạo nền đất, xây dựng nhà cũng không được phép, người dân làng Húng chỉ còn cách chắp vá tạm bợ cho căn nhà ở của mình.

Đáng nói, nhiều hộ gia đình sau khi dựng vợ, gả chồng, không có đất để làm nhà, nên bà con buộc phải san lấp ruộng lúa. Hiện nay, trong làng Húng đã có khoảng 8 sào (4.000m2) ruộng bị lấp đi, thay vào đó là nền đất và những ngôi nhà kiên cố. Người dân ở đây thừa nhận họ làm thế là vi phạm, tuy nhiên không vi phạm thì không biết ở chỗ nào.

Bao giờ người làng Húng có đất?

Ông Lê Văn Tá, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện, cho biết: “Thực trạng người dân chôn người chết trong rừng phòng hộ vừa gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vì mộ táng nằm rải rác, gần khu dân cư”.

 Cũng theo ông Tá thì thời gian qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện, tỉnh và đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương và người dân đã kiến nghị nhiều lần về việc chính quyền các cấp cần phải có ngay giải pháp để khắc phục.

Chính quyền tỉnh, huyện cũng đã tiếp thu ý kiến và giao cho đơn vị, chức năng tập trung giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, những kiến nghị của người dân thôn Húng vẫn chưa được thực hiện.

Còn ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh, cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, năm 2017, đơn vị cũng đã rà soát lại 3 loại rừng trên địa bàn. Theo đó, Ban quản lý đã đề xuất với UBND tỉnh, thu hồi một khu đất rừng nghèo kiệt không có giá trị, để giao lại cho xã Giao Thiện quản lý và làm khu nghĩa trang cho người dân làng Húng.

Việc này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao cho Sở TN&MT thẩm định, để tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết. Hiện nay, lãnh đạo huyện cũng đề xuất với các cơ quan liên quan của tỉnh giải quyết dứt điểm thủ tục pháp lý để sớm bàn giao đất cho địa phương, giúp bà con ổn định đời sống”.

Bình Minh