1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Xây lại đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

(Dân trí) - TPHCM tiến hành chỉnh trang giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (quận 1), với điểm nhấn là đài phun nước ngay sau khi mặt bằng được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP hoàn trả.

TPHCM tiến hành thi công chỉnh trang không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi, với điểm nhấn là hạng mục xây đài phun nước tại giao lộ hai tuyến đường.

Xây lại đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 1
Phối cảnh đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (ảnh: H.T)

Đây là hồ nước tĩnh, có biểu tượng nghệ thuật kết hợp với đài phun nước, để tạo điểm nhấn cảnh quan, chuyển tiếp không gian tĩnh và động dọc 2 tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi vừa cải thiện môi trường khí hậu cho khu vực. Dự kiến hoàn thành trong quý 2 năm nay, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Việc thi công được bắt đầu khi mặt bằng tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi được bàn giao sau khi thi công đoạn đào hở tuyển metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Đến khi mặt bằng trục đường Lê Lợi được hoàn trả, thành phố sẽ tiếp tục hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc tuyến đường này.

Xây lại đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 2
TPHCM chỉnh trang giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi với điểm nhấn là đài phun nước, sau khi nhận mặt bằng từ dự án metro Bến Thành - Suối Tiên

 

Trước đó, vào năm 2014, bồn nước tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi được phá bỏ để thi công đoạn ngầm của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Đến khi hoàn chỉnh phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tháng 4/2015, tại giao lộ này có thiết kế hồ nước ngầm với hệ thống phun nước kết hợp ánh sáng, âm thanh. Nơi đây trở thành điểm vui chơi, giải trí của người dân TP vào dịp cuối tuần.

Xây lại đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 3
Đơn vị thi công rào chắn khu vực xây đài phun nước

Hồi tháng 9 năm ngoái, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đề xuất phương án kiến trúc cảnh quan các trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và khu trung tâm. 

Theo đó, trục đường Lê Lợi sẽ tiếp nối dự án trục đi bộ Nguyễn Huệ, chuyển thành các phố thương mại, mua sắm và kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành là quảng trường đi bộ. Không gian đi bộ cũng được mở rộng sang hướng Đông phía sau Nhà hát TP để trở thành phố buôn bán quá cảnh, hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và công viên 23/9.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP, trong tương lai gần ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi sẽ thành giao lộ quan trọng bậc nhất của thành phố với sự phát triển nhanh chóng của các công trình phức hợp, trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô lớn đang được xây dựng.

Xây lại đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 4

Khi đưa phố đi bộ Nguyễn Huệ vào hoạt động năm 2015, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi cũng được thiết kế hồ nước ngầm kết hợp ánh sáng, âm thanh (ảnh: Đ.L)

Do đó, Sở đề xuất UBND TPHCM thiết kế cảnh quan trục đường Lê Lợi bao gồm Nhà hát TP, cùng với không gian giao tiếp với trục Nguyễn Huệ, Pasteur và quảng trường ga trung tâm Bến Thành, theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, việc thiết kế cảnh quan sẽ tập trung quanh công viên Nhà hát thành phố (đoạn từ Hai Bà Trưng đến giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi). Đồng thời, nghiên cứu phân khu chức năng và bổ sung một số hạng mục cây xanh, tiện ích trên trục đường Nguyễn Huệ nhằm đáp ứng nhu cầu người dân ngay trong năm 2019.

Tại công viên Nhà hát Thành phố và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, bố trí đài/hồ nước, vườn hoa, các chi tiết nghệ thuật, kiến trúc kết hợp các yếu tố về ánh sáng, âm thanh, màu sắc...

Giai đoạn 2, hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của trục đường Lê Lợi (đoạn còn lại đến công viên 23/9). Sau đó, tiếp tục nghiên cứu kết nối, định hình toàn bộ không gian công cộng, kết hợp không gian ngầm, thương mại dịch vụ theo định hướng quy hoạch được duyệt, nhất là phương án kết nối không gian các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng.

Quốc Anh