1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xây dựng thêm 5 nhà thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

(Dân trí) - Theo Bộ Công an, từ tháng 8/2013 đến 30/6/2016 đã thi hành án tử hình 429 trường hợp bằng tiêm thuốc độc, đảm bảo an toàn, đúng pháp luật. Để giảm tải cho 5 nhà thi hành án tử hình tại Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Sơn La, Đắk Lắk đang hoạt động thí điểm, hiện nay đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 5 nhà thi hành án tử hình ở 5 địa phương theo khu vực lãnh thổ.

Ảnh minh hoạ: Báo CAND.
Ảnh minh hoạ: Báo CAND.

Bộ Công an vừa có Báo cáo số 05/BC-BCA-C81 tổng kết 5 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự trong Công an nhân dân (2011-2016). Trong đó, Bộ Công an khẳng định đã thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ, chính sách trong giam giữ người bị kết án tử hình và khắc phục khó khăn, vướng mắc để thực hiện quy định thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thay thế thi hành bằng hình thức xử bắn.

Mặc dù từ năm 1993 đến năm 2012, Quốc hội đã hai lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (năm 1999 và 2009), trong đó bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 23 tội danh, chỉ còn 22 điều luật quy định khung hình phạt tử hình nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng vẫn chưa có xu hướng giảm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm giết người - cướp tài sản, giết người - hiếp dâm, tội phạm giết người mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng…

Để tổ chức quản lý, giam giữ chặt chẽ người bị kết án tử hình, Bộ Công an đã ban hành quy định về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thường xuyên phối hợp với viện kiểm sát, toà án có thẩm quyền theo dõi chặt chẽ các bản án tử hình và kịp thời chuyển các kháng cáo, đơn kêu oan, đơn xin ân giảm án tử hình của người bị kết án đến các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định…

“Tuy nhiên, do tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, phải áp dụng chế độ giam giữ nghiêm ngặt và thời gian giam giữ đến khi thi hành án thường kéo dài nên tác động rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của đối tượng giam giữ, phần lớn các đối tượng liên tục chống đối, tìm mọi cách trốn, một số bi quan dẫn đến tự tử, trong khi đó, nhiều trại tạm giam thiếu buồng giam riêng người bị kết án tử hình, chỉ có 36/70 trại tạm giam mới xây dựng khu vực giam riêng nên công tác quản lý, giam giữ gặp nhiều khó khăn, phức tạp”- Bộ Công an nêu rõ.

Theo Báo cáo số 05/BC-BCA-C81, thực hiện quy định hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thay thế hình thức xử bắn và quy định giải quyết cho thân nhân được nhận thi thể, tro cốt, hài cốt người bị thi hành án tử hình về mai táng của Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và phê duyệt giai đoạn 1 Đề án triển khai thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc cho 15 Công an địa phương.

Thực hiện theo lộ trình Đề án được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công an đã chỉ đạo xây dựng thí điểm 5 nhà thi hành án tử hình tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 5 nhà thi hành án tử hình ở 5 địa phương theo khu vực lãnh thổ nhằm giảm tải cho các nhà thi hành án tử hình hiện có.

Do thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc lần đầu áp dụng ở nước ta, vì vậy quá trình triển khai thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, nhất là nguồn thuốc phục vụ thi hành án. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011; phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Đến tháng 8/2013 đã hoàn thành xong việc xây dựng, lắp đặt đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ phục vụ thi hành án tử hình và tổ chức tập huấn về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc cho cán bộ được giao nhiệm vụ này.

“Từ tháng 8/2013 đến 30/6/2016 đã thi hành án tử hình 429 trường hợp bằng hình thức tiêm thuốc độc bảo đảm an toàn, đúng pháp luật và đã giải quyết cho 313 trường hợp giao cho gia đình nhận tử thi, tro cốt về an táng bảo đảm an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc và giải quyết cho gia đình nhận tử thi về mai táng tuy có những phức tạp, tốn kém hơn so với thi hành bằng hình thức xử bắn nhưng thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước và phù hợp với xu thế thi hành án tử hình trên thế giới”- báo cáo của Bộ Công an nêu rõ.

Trong báo cáo trên, Bộ Công an đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 - 2018. Một trong những trọng tâm sửa đổi, bổ sung là quy định về quyền hiến mô, hiến tạng đối với người đang chấp hành án phạt tù, người bị kết án tử hình và quy định thời gian giải quyết đơn xin ân giảm, đơn kêu oan của người bị kết án tử hình.

Thế Kha