Xây dựng nền tư pháp dân chủ, bảo vệ quyền con người

(Dân trí) - “Ngành tư pháp cần nỗ lực khắc phục những hạn chế yếu kém. Quán triệt sâu sắc mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sụ Tổ quốc” - Chủ tịch nước nói.

Ngày 9/12, tại TPHCM, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo báo cáo tổng kết việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khu vực phía Nam. Đồng chủ trì hội nghị là các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao.

Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các cơ quan tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Sở Tư pháp các tỉnh thành phía Nam cùng tham dự.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mang tính chất lịch sử. Thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng ta đề ra, cùng nhu cầu về cải cách nền tư pháp, năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra bước ngoặt cho nền tư pháp. Mục tiêu chung của chiến lược là xây dựng nền tư pháp trong sạch vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị

Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo, phó Trưởng Ban Thường trực ban Chỉ đạo Lê Thị Thu Ba cho biết, dự thảo đã phản ánh đầy đủ kết quả tổng kết toàn diện chiến lược cải cách tư pháp đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Qua 8 năm thực hiện, cho thấy việc quán triệt, triển khai chiến lược đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm. Tuy mới chỉ là bước đầu nhưng hoạt động tư pháp đã được cải thiện đáng kể, hệ thống pháp luật về tư pháp được hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện chiến lược cải cách tư pháp cũng còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ tư pháp còn thiếu đồng bộ; hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp hoàn thiện còn chậm; công tác giám sát của cơ quan dân cử còn chưa được thường xuyên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan có liên quan nghiên cứu các vấn đề lý luận; tổng kết thực tiễn về những vấn đề mới như quyền tư pháp, phân công, phối hợp, kiểm soát các hoạt động tư pháp trong nhà nước pháp quyền XHCN; chuẩn bị nội dung các vấn đề có liên quan đến việc đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp và cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương đưa vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng xem xét, thông qua...

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đồng tình với dự thảo báo cáo. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, về phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp, cần bổ sung nội dung hoàn thiện thủ tục tố tụng theo hướng kế thừa mô hình tố tụng thẩm vấn và tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tiến bộ của mô hình tố tụng tranh tụng. Ông Nguyễn Văn Đua, phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh đến án lệ nêu trong dự thảo và khẳng định đây là chủ trương đúng đắn nhằm giúp cấp sơ thẩm và phúc thẩm giải quyết tốt các vụ án.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Về vấn đề tranh tụng tại tòa, ông Đua xem đây là khâu đột phá trong trong tiến trình cải cách tư pháp, trong đó Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải là những cơ quan có đội ngũ am hiểu pháp luật, nắm bắt chứng cứ vụ án một cách vững chắc, từ đó mới có thể thụ lý, giải quyết án tốt. Liên quan đến việc đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp, ông Đua góp ý rằng nên cho địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan tư pháp từ ngân sách địa phương thay vì từ khoản vượt thu ngân sách của địa phương…

Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của ông Đua, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng kiến nghị: “Cho phép địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan tư pháp từ ngân sách địa phương, chứ không cần phải dùng từ ngân sách “vượt thu”. Nên bỏ chữ “vượt thu” trong dự tháo báo cáo, bởi làm gì có nhiều địa phương vượt thu”.

Ông Trần Thọ nhất trí cao với dự thảo báo cáo, tuy nhiên ông Thọ cũng cho rằng, ông vẫn chưa thấy văn bản nào, cơ chế nào để thu hút người tài vào làm việc cho các cơ quan tư pháp. Ông Thọ đề nghị nên triển khai ngay cơ chế này vào các cơ quan tư pháp. Tại Đà Nẵng, việc thi tuyển cán bộ tư pháp vẫn lúng túng là do chưa có hướng dẫn của Trung ương. Chế động tiền lương cũng thế, tám năm rồi vẫn chưa có gì thay đổi, đồng lương vẫn không khác xưa bao nhiêu” - ông Thọ nói. Đối với Cơ quan Công an, ông Thọ nhấn mạnh, trong quá trình tố tụng, thì điều tra là khâu cực kỳ quan trọng, nên cho Luật sư tham gia vào từ giai đoạn này càng nhanh, càng tốt… Kế đó, tại khâu xét xử thì cần có cơ chế bồi dưỡng, cập nhật thông tin và cung cấp đầy đủ hồ sơ vụ án cho Hội thẩm Nhân dân. Có như thế vai trò của Hội thẩm mới được nâng lên… 

Công Quang