Phú Yên:

Xây dựng khu tái định cư 20 tỉ để… “nhốt bò”

(Dân trí) - Khu tái định cư buôn Chao thuộc huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) rộng 16 ha, kinh phí trên 20 tỉ gồm nhà ở, phòng học, trạm y tế… nhằm giải quyết cho 69 hộ dân trong vùng ngập lụt. Thế nhưng công trình này gần như bỏ hoang biến thành nơi nhốt bò…

Nhằm tích nước cho Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, năm 2004, Ban quản lý dự án thủy điện 7 (chủ đầu tư) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thỏa thuận với UBND huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) xây dựng khu tái định cư buôn Chao rộng 16 ha, kinh phí trên 20 tỉ đồng.

Nhà văn hóa xây dựng khang trang bỏ hoang
Nhà văn hóa xây dựng khang trang bỏ hoang

Theo dự án, khu tái định cư buôn Chao được xây dựng nhằm bố trí chỗ ở cho 69 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê ở buôn Bầu, xã Ea Bá. Bởi khi lòng hồ thủy điện tích nước, toàn bộ khu vực này bị ngập gây khó khăn cho đời sống người dân. Tuy nhiên, công trình này khi hoàn thành đưa vào sử dụng lại không mang lại hiệu quả, hiện gần như bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng.

Điều đáng nói, trước khi xây dựng, UBND huyện Sông Hinh tổ chức lấy ý kiến bà con nhân dân. Hầu hết người dân không đồng ý bởi  họ cho rằng, khu tái định cư buôn Chao nằm cách xa nơi ở cũ đến 10 km, đi lại khó khăn lại không có đất canh tác. Theo bà con khu tái định cư nên gần với nơi ở cũ, vì khi lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ tích nước vẫn còn đất để canh tác. Tuy nhiên, sau đó huyện Sông Hinh vẫn quyết định xây dựng khu tái định cư buôn Chao ở vị trí như hiện nay.

Phòng học xuống cấp
Phòng học xuống cấp

...biến thành nơi nhốt bò
...biến thành nơi nhốt bò

Năm 2007, công trình cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng gồm lưới điện hạ áp, rải đá dăm 2.550 m đường nội bộ, xây 3 phòng học cấp 1 và mẫu giáo, 1 nhà văn hóa, 25 giếng nước. Sau đó, huyện Sông Hinh tiến hành di dời 69 hộ dân trong lòng hồ nhưng chỉ có 13 hộ đến định cư mới. Thế nhưng điều đáng nói 13 hộ dân chuyển đến nơi ở mới chỉ được vài tháng rồi trở lại buôn cũ.

Qua tìm hiểu, từ thời chiến tranh bà con ở buôn Bầu đã từng sinh sống ở khu vực buôn Chao, biết rất rõ đây là vùng đất khó sinh sống bởi mùa mưa thì bị chia cắt hoàn toàn không đi lại được, trong khi lại cách xa trung tâm xã và huyện. Vì vậy, sau giải phóng, bà con di dời về buôn Bầu cũ lập nghiệp và làm ăn ổn định.

Đến năm 2008, thấy khu tái định cư buôn Chao không hiệu quả, huyện Sông Hinh đã quy hoạch khu dân cư mới ở buôn Bầu (xã Ea Bá) rộng 11 ha và đầu tư hơn 5,4 tỉ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Khu tái định cư buôn Bầu mới cách buôn Bầu cũ khoảng 1km, gần đường giao thông và trung tâm thị trấn Hai Riêng nên người dân đều đồng tình di dời đến nơi ở mới. Tại đây, mỗi hộ dân được cấp 1.000m2 đất thổ cư, bà con trong buôn tiếp tục canh tác khoảng 200ha đất sản xuất gần lòng hồ thủy điện và chăn nuôi bò.

Mặc dù đã được đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng hiện tại khu tái định cư buôn Chao chỉ có 8 hộ sinh sống. Thế nhưng, trong đó chỉ có hộ ông Ma Ách là đúng đối tượng hỗ trợ tái định cư sau  công trình thủy điện, còn lại các hộ ở các nơi khác đến lập nghiệp.

Hiện tại, toàn bộ mặt bằng khu tái định cư buôn Chao chỉ để cho cỏ mọc um tùm, các công trình phú lợi gồm có nhà ở, phòng học, nhà văn hoa, trạm ý tế… đều bị hư hỏng xuống cấp trầm trọng. Trong khi một số bà con nơi khác đến ở dùng làm nơi nhốt bò…

25 giếng nước không sử dụng nên nước đen ngòm
25 giếng nước không sử dụng nên nước đen ngòm

Đầu tư lưới điện tiền tỉ nhưng không phát huy tác dụng
Đầu tư lưới điện tiền tỉ nhưng không phát huy tác dụng

Ông Ksor Y Tôn, Phó chủ tịch UBND xã Ea Bá, một trong số 13 hộ dân đầu tiên tới lập nghiệp ở buôn Chao cũng thừa nhận: “Chúng tôi biết rất rõ khu vực tái định cư buôn Chao là vùng đất khó sinh sống, thiếu đất sản xuất, cách xa trung tâm xã và huyện, mùa mưa thì bị chia cắt hoàn toàn không đi lại được. Hơn nữa, việc dời lên khu tái định cư buôn Chao từ nơi ở cũ phải đi qua 3 buôn trong xã là điều bà con dân tộc rất “kỵ”. Tuy nhiên mình là cán bộ phải đầu tàu gương mẫu nên đành phải chấp nhận di dời”.

Sơn Công