Xây dựng cây cầu “biểu tượng” nối liền 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam

(Dân trí) - Sáng nay (27/12), Bộ Giao thông vận tải đã động thổ xây dựng công trình cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu thuộc tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới dự và phát lệnh động thổ.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu thuộc tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, trong đó vốn vay là hơn 2.400 tỷ đồng.

Dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện và quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 1. Nhà thầu Tư vấn Thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công: Liên danh Dohwa Engineering Co., Ltd - Dong Il Engineering & Consultants Co., Ltd. - Jinwoo Engineering Korea Co., Ltd. Nhà thầu thi công: Hyundai Development Company (HDC). Dự kiến thời gian thi công khoảng 36 tháng.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh động thổ dự án

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh động thổ dự án

Cầu Hưng Hà được xây dựng tại địa điểm 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Điểm đầu tuyến (phía Hưng Yên, tại Km24+950, nút giao QL39) thuộc xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên giao với giao cắt với QL39 (Km38+732-QL39). Điểm cuối tuyến (phía Hà Nam, tại Km31+115,77) giáp nối với đường dẫn cầu Thái Hà (Km1+028,01) nằm tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Đối với tuyến chính theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, bao gồm dải phân cách giữa và dải an toàn là 1,5m; Bề rộng mặt đường cơ giới 14,0m; Bề rộng làn xe thô sơ 6,0m; Bề rộng lề đất 1,0m.

Cầu Hưng Hà được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tải trọng thiết kế HL93. Bề rộng toàn cầu 22,5m có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, bao gồm dải phân cách giữa và dải an toàn 1,5m; Bề rộng mặt đường cơ giới 14,0m; Bề rộng làn xe thô sơ 6,0m; Bề rộng lan can 1,0m.

Đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng. Về đường tránh dưới đê, tại vị trí cầu vượt đê, thiết kế đường tránh chui dưới cầu với khẩu độ tĩnh không. Phía mố M2, thiết kế đường chui dưới nhịp biên cầu với tĩnh không.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu kết nối hai tuyến đường cao tốc, làm động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng, nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến đường cao tốc, đồng thời giảm áp lực giao thông qua Thủ đô Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam.


Cầu Hưng Hà trên mô phỏng 3D

Cầu Hưng Hà trên mô phỏng 3D

Phát lệnh động thổ dự án này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng đây sẽ là cây cầu biểu tượng nối liền 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thi công tuân thủ các quy định, quy trình đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, để dự án được đưa vào khai thác đúng kế hoạch, đảm bảo hoạt động đi lại của nhân dân được nhanh chóng và an toàn.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đối với khu vực Đông bắc Bắc bộ, hai tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình đã tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như đầu tư phát triển của các địa phương. Việc triển khai xây dựng cầu Hưng Hà và tuyến đường kết nối hai cao tốc này sẽ tạo điều kiện cho hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam cũng như các địa phương lân cận phát huy các thế mạnh trong thời gian tới.

Thời gian hoàn thành công trình trong vòng 36 tháng, dự kiến đến năm 2018 có thể đưa vào khai thác và sử dụng, nối liền 2 tỉnh Hà Nam và Hưng Yên và kết nối hoàn chỉnh hệ thống giao thông với 2 tuyến cao tốc hiện đại.

C.N.Q