TPHCM:

Xây cầu bộ hành qua sông Sài Gòn

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương chọn Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm nhà đầu tư thực hiện dự án cầu đi bộ trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức Hợp đồng BT.

Như vậy, sau nhiều năm kêu gọi đầu tư, đến nay TPHCM đã tìm được chủ đầu tư cho công trình này. Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn đã được Sở Giao thông Vận tải đề xuất xây dựng từ năm 2010. Đến năm 2011 đã có nhiều đơn vị đăng ký nghiên cứu đầu tư, tuy nhiên kết quả đến năm 2013 vẫn chưa chọn được nhà đầu tư. Đến nay công ty Đại Quang Minh được chọn làm chủ đầu tư công trình này.

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, công trình cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn không chỉ mang ý nghĩa để đi lại mà đây sẽ là công trình điểm nhấn của thành phố, tích hợp nhiều yếu tố khác nhau. Nó không chỉ phục vụ người dân tham quan mà còn tạo sự hấp dẫn gần gũi để hấp dẫn khách du lịch đến với thành phố.

Theo thiết kế, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dài 360m, mang hình chữ S cách điệu tượng trưng cho hình ảnh đất nước. Chức năng chính của cầu đi bộ là phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, đi lại, thưởng ngoạn và tổ chức lễ hội. Trên cầu có thiết kế những điểm dừng để hành khách có thể ngắm được các góc đẹp của sông Sài Gòn…

Ban đầu dự kiến cầu đi bộ sẽ nối công trường Mê Linh (quận 1) với Trung tâm KĐT Thủ Thiêm (quận 2). Tuy nhiên, đến nay thành phố đã thống nhất cầu đi bộ sẽ nối Quảng trường trung tâm KĐT Thủ Thiêm với đường Đồng Khởi.

Tính cả cây cầu đi bộ này, theo quy hoạch KĐT Thủ Thiêm sẽ được kết nối với khu vực trung tâm cũ 930 ha của thành phố bằng 6 con đường: 4 cầu, 1 cầu đi bộ và 1 hầm chui. Trong 6 con đường trên, hiện cầu Thủ Thiêm I nối khu đô thị mới với quận Bình Thạnh và hầm vượt sông Sài Gòn là đã hoàn tất; cầu Thủ Thiêm II và cầu đi bộ cũng đã có nhà đầu tư.

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
TPHCM đang đẩy mạnh phát triển KĐT Thủ Thiêm như 1 trung tâm mới của thành phố, kích hoạt sự phát triển của khu Đông Sài Gòn

Tiến độ đầu tư các công trình cầu đường trên cho thấy kết nối giao thông giữa 2 khu trung tâm cũ (khu 930 ha) và mới (KĐT Thủ Thiêm) đang được đẩy mạnh phát triển, định hướng xây dựng trung tâm tổng hợp chính mới của TPHCM đang được thành hình. Trước đó, vào đầu năm 2013 TPHCM cũng đã khởi động xây dựng 4 tuyến đường chính trong KĐT Thủ Thiêm để hoàn chỉnh hạ tầng của KĐT mới này.

Ngoài ra, UBND TP cũng đã chấp thuận chủ trương cho phép Ban Quản lý Đầu tư xây dựng KĐT Thủ Thiêm đề xuất Thường trực HĐND TP chấp thuận cho đầu tư dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông theo hình thức Hợp đồng BT để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án này.

Với những động thái mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng KĐT Thủ Thiêm của thành phố vừa qua, các nhà đầu tư cũng rất kỳ vọng vào sự phát triển của khu Đông Sài Gòn làm đối cực với khu Tây là trung tâm cũ.

Tùng Nguyên