Xả nước nhiều hồ thủy điện, gặt lúa chạy bão

(Dân trí) – Từ ngày hôm qua (28/9) tại tỉnh TT-Huế, một số hồ thủy điện đang chứa nhiều nước đã buộc phải xả nước dần để tránh gây lũ về phía hạ lưu khi bão số 10 tiến vào bờ. Tại Thanh Hóa, tỉnh yêu cầu huy động mọi lực lượng thu hoạch lúa đã chín

Huế: Xả nước hồ thủy điện
 
Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo xả bớt nước tại các hồ chứa để đảm bảo an toàn. Dự báo, cơn bão số 10 sẽ gây mưa lớn nên nước của các hồ sẽ có lại sau khi cơn bão đi qua...

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, 2 thủy điện đang xả lũ dần là thủy điện A Lưới và thủy điện Hương Điền. Mực nước xả sẽ được tính đến ngưỡng an toàn. Trong cơn bão số 8 vừa qua, đa số các hồ nước nhận được lượng nước vượt ngưỡng, bù đắp lại cho một năm hạn hán không có nước là năm 2012.

Thủy điện A Lưới xả nước

Thủy điện A Lưới xả nước

Riêng thủy điện Bình Điền, do mực nước mới ngang 76,1m, thấp hơn so với mực nước đón lũ hơn 4m (80,6m) và thấp hơn so với mực nước dâng tối đa hơn 8m (85m), nên hồ đang tích nước chưa xả lũ. Hồ Bình Điền hiện đang có khoảng 290 triệu m3 nước so với dung tích chứa tối đa 423 triệu m3.

“Với dự tính lượng mưa trong bão số 10 khoảng từ 200-400mm, nước sẽ đầy hồ thì thủy điện vẫn tích nước không xả để đảm bảo cho hạ lưu không bị lụt. Sau bão tan và mưa ngớt thì mới xả dần để điều hòa nước ở hạ lưu” – ông Nguyễn Quang Hải, TGĐ Công ty CP Thủy điện Bình Điền cho phóng viên Dân trí biết vào chiều 29/9.

Thủy điện Bình Điền do đang ít nước nên chưa xả được

Thủy điện Bình Điền do đang ít nước nên chưa xả được

Bên cạnh đó, việc hồ thủy lợi Tả Trạch mới đi vào hoạt động với lượng tích nước hàng trăm triệu mét khối, tỉnh TT-Huế đã có thêm 1 “công cụ” về việc điều tiết lũ về miền xuôi. Hiện nay, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên toàn tỉnh có sức chứa tổng cộng hơn 2 tỷ mét khối nước.

Trong ngày 29/9, hơn 1.810 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế và 23 tàu từ các tỉnh khác đến đã được đưa về nơi neo đậu an toàn. Dự kiến, toàn tỉnh có hơn 2.800 hộ với hơn 11.500  khẩu ở các vùng sạt lở, ven biển phải sơ tán đến nơi an toàn khi có bão, lũ đến.

Người dân đi làm ăn ven lòng hồ thủy điện Bình Điền đang đưa ghe máy lên bờ tránh bão

Người dân đi làm ăn ven lòng hồ thủy điện Bình Điền đang đưa ghe máy lên bờ tránh bão
Người dân đi làm ăn ven lòng hồ thủy điện Bình Điền đang đưa ghe máy lên bờ tránh bão

Nhân viên lòng hồ thủy điện trực 24/24 để ghi nhận mực nước dâng rồi báo cáo về qua internet (ảnh chụp chiều 29/9)

Video về mực nước đang điều hòa tại hồ thủy điện Bình Điền:




Thanh Hóa: Tích cực gặt lúa chạy lũ
 
Theo dự báo, Thanh Hoá là tỉnh có nhiều khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 10 đổ bộ, gây mưa lớn. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, đặc biệt là 3 huyện Nông Cống, Tĩnh Gia và Quảng Xương chỉ đạo các xã huy động mọi lực lượng giúp dân thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín.
 
Các đoàn viên thanh niên giúp dân gặt lúa.
Các đoàn viên thanh niên giúp dân gặt lúa.

Hiện địa phương này còn gần 40 nghìn ha lúa mùa đã chín chưa thu hoạch kịp. Các đơn vị quản lý công trình thuỷ lợi, chuẩn bị vật tư, máy bơm để khi xảy ra ngập úng kịp thời bơm tiêu thoát lũ; vận hành, điều tiết nước các hồ chứa hợp lý hạn chế gây ngập cục bộ khi xả lũ…

Trước đó tại các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia, cũng đã bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ khiến hàng trăm nhà dân và hàng nghìn ha lúa mùa đã chín bị ngập lụt. Để giúp dân thu hoạch lúa, các địa phương đã huy động gần 800 đoàn viên thanh niên giúp dân gặt lúa.

Theo thông tin từ Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hoá cho biết, đến chiều ngày 29/9, hơn 3.200 tàu, thuyền của ngư dân tỉnh Thanh Hoá hoạt động trên các vùng biển đã nhận được thông báo có bão và đang chủ động vào bờ tránh trú ẩn.

Trong đó có khoảng 500 tàu thuyền đánh bắt hải sản tại các vùng biển dự báo là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào cũng đã vào nơi neo đậu an toàn tại các âu tránh trú bão.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các địa phương khu vực miền núi, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất chuẩn bị phương tiện vật tư, sẵn sàng sơ tán dân nếu có sự cố xảy ra.
 
Bình Định, Phú Yên: Tàu thuyền đang vào nơi tránh trú
Theo ghi nhận, do ảnh hưởng của bão số 10, tại một số nơi trong tỉnh Bình Định xuất hiện mưa nhỏ, mực nước tại các sông đều ở dưới mức báo động I.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bão, ngày 28/9, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Bình Định đã có công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền, nhất là các tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động di chuyển tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè khi có gió bão; hướng dẫn nhân dân chằng, chống nhà cửa, khẩn trương thu hoạch các loại nông, lâm, thủy hải sản; đồng thời có phương án sẵn sàng tiêu úng, thoát lũ bảo vệ diện tích cây trồng chưa thu hoạch nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Các tàu thuyền vào nơi neo đậu tại cảng Quy Nhơn
Các tàu thuyền vào nơi neo đậu tại cảng Quy Nhơn

Kiểm tra, rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông; các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, vùng sạt lở nguy hiểm. Kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ, đập, các công trình phòng chống lụt bão; các hồ khi xả lũ phải theo quy định để đảm bảo công trình đồng thời hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du; tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh để có phương án chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, hiện có hơn 7 ngàn tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt ở các ngư trường trên biển, với hơn 40 ngàn lao động. Tuy nhiên, hầu hết các tàu thuyền hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão số 10 và đang di chuyển đến vị trí neo đậu an toàn.

Tại tỉnh Phú Yên, Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, đến chiều này 29/9, hơn 100 tàu thuyền với gần 1.000 lao động trên biển đã nhận được thông tin về bão số 10 và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, chủ phương tiện tiếp tục giữ liên lạc với Đài trực canh của Bộ đội biên phòng tỉnh và người gia đình.

Để chủ động ứng phó với bão số 10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã huy động 170 cán bộ, chiến sỹ cùng phương tiện cơ giới, sẵn sàng 24/24 xử lý khi có tình huống xảy ra.
 
Tàu cá ở vùng biển Quỳnh Lưu vào bờ trú ẩn.
Tàu cá ở vùng biển Quỳnh Lưu vào bờ trú ẩn.

Ngày 29/9, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp khẩn cấp bàn các biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão số 10. 

Theo báo cáo mới nhất từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An đến 16 giờ ngày 29/9, tỉnh đã kêu gọi được 4.037 phương tiện với 123.128 lao động về nơi trú ẩn an toàn; hiện có 241 phương tiện với 1.125 phương tiện đang hoạt động ngoại tỉnh cũng đã được liên lạc. Trong khi đó, có 17 phương tiện với 139 lao động của tỉnh đang hoạt động ở vùng bắt cá chung cũng đã nhận được tin báo chung. Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 80 phương tiện với 523 lao động của các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định và Quảng Ngãi vào trú ẩn an toàn. Phương tiện của tỉnh còn lại đang neo đậu tại bến địa bàn tỉnh, các phương tiện phải giữ liên lạc thường xuyên.  

Tại cuộc họp khẩn, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, vào 4 giờ ngày 29/9, vị trí của cơn bão số 10 nằm ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở tâm bão cấp 12, giật cấp 13, 14. Dự kiến, đến tối ngày 30/9, cơn bão số 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Tại Nghệ An được dự báo là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn từ cơn bão này. Từ ngày 30/9, vùng biển Nghệ An sẽ có gió mạnh cấp 9,10, vùng gần tâm bão mạnh đi cấp 11, 12.

Theo báo cáo, đến nay tỉnh Nghệ An đã kêu gọi hơn 4.000 phương tiện tàu thuyền của ngư dân về nơi trú ẩn an toàn. Tại cuộc họp, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cũng yêu cầu trên địa bàn các huyện, thành thị, xác xã vùng xa, vùng sâu… nơi có tràn đi qua các tuyến đường tỉnh lộ, liên xã, liên huyện phải thực hiện nghiêm túc cắt cử người canh gác cẩn thận và quyết không để xảy ra sự cố như vừa qua tại tràn Khe Ang làm 5 người chết.

Công tắc giằng néo nhà cửa được thực hiện.
Công tắc giằng néo nhà cửa được thực hiện.

Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh và các địa phương cần tuyên truyền cho các địa phương và người dân biết mức độ nguy hiểm của bão, tránh sự chủ quan, hướng dẫn nhân dân chặt tỉa cây cối, chằng chống lại nhà cửa để hạn chế đến mức thấp nhất khi bão vào. Yêu cầu các địa phương làm tốt các công tác di dân những vùng thấp trũng, cửa sông, cửa biển và vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lỡ theo phương án đã xây dựng…

Theo quan sát của phóng viên tại các cảng cá Lạch Quèn, bến Lạch Thơi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) hầu hết các tàu thuyền đã cập bến neo đậu an toàn tránh bão.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - một chủ thuyền ở Quỳnh Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) có thuyền đang neo đậu tại bến Lạch Thơi chia sẻ: “Khi chúng tôi đang đánh bắt trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ, nhận được những thông tin đầu tiên về cơn bão đã nhanh chóng quay về tìm nơi neo đậu an toàn. Hiện tại toàn bộ các tàu thuyền của xã đã cập bến an toàn. Chúng tôi cũng thường xuyên cắt cử anh em trông coi tàu cả ngày lẫn đêm đề phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra”.

Đại Dương - Duy Tuyên - Doãn Công - Nguyễn Duy