Kon Tum:

Xã nghèo "nai lưng" trả nợ vì vay nặng lãi để... mua sắm

(Dân trí) - Để thỏa mãn nhu cầu mua sắm, để cố cho "bằng bạn bằng bè", nhiều năm nay hàng trăm người dân nghèo ở xã Sa Loon (Ngọc Hồi, Kon Tum) đã chọn cách đi vay nặng lãi để rồi phải rơi vào cảnh bi đát.

Vay nặng lãi để… chi tiêu lặt vặt

Chuyện thật như đùa này đã và đang xảy ra nhiều năm nay ở xã biên giới nghèo Sa Loon, huyện Ngọc Hồi, khi hàng trăm hộ dân nghèo đổ xô đi vay nặng lãi, không phải để lấy vốn làm ăn mà là để… xây nhà, mua xe máy và phục vụ nhu cầu mua sắm hàng ngày của các cá nhân trong gia đình. Chính vì vậy, cuộc sống của những người dân nơi đây luôn quay quắt trong nợ nần, khiến gia cảnh của họ vốn đã nghèo nay lại càng bĩ cực hơn.

Tuy không phải là xã có nhiều nhà cao cửa rộng, nhưng so với nhiều xã người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Kon Tum thì cơ sở hạ tầng ở Sa Loon cũng thuộc vào dạng khá, khi hầu hết các ngôi nhà sàn, nhà tranh vách nứa đã và đang được thay thế bằng những ngôi nhà xây lát gạch men. Nhưng tiếc rằng có nhiều ngôi nhà được xây lên không phải bằng tài sản của chủ nhân nó tích lũy được, mà bằng những đồng tiền đi vay nặng lãi.

Một trong những “con nợ” nổi tiếng nhất ở Sa Loon là gia đình chị Y Huôn (29 tuổi, trú thôn Đăk Vang). Y Huôn cho biết, chồng chị đi làm công nhân cho một công ty cao su trên địa bàn với số lương 3 triệu/tháng, còn chị ở nhà làm 1 ha mì. Nhưng do hai vợ chồng phải nuôi 2 con nhỏ (lớn nhất 8 tuổi) và một đứa em 14 tuổi, nên thu nhập của 2 vợ chồng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu cuộc sống ở một xã nghèo!

Vì vậy cách đây chừng 3 năm, vợ chồng Huôn đã đánh liều đi vay 50 triệu đồng với mức lãi suất là cuối năm phải trả gấp đôi. Số tiền trên được vợ chồng Huôn dùng để nuôi em, mua xe máy và lo cái ăn cho gia đình. Đến hẹn trả nợ, sau khi bán hết số mì thu hoạch được và tài sản trong nhà, vợ chồng Huôn cũng chỉ trả được phần lãi, còn phần gốc đành nợ lại năm sau. Cứ như vậy, hết năm này qua năm khác, vợ chồng Huôn oằn lưng ra trả nợ, món nợ ngày càng lớn cứ “bám chặt” lấy gia đình Huôn. Tính đến thời điểm hiện tại, Huôn đang nợ 100 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.

M
Mẹ con Y Huôn cho biết, do vay nặng lãi để mua sắm, ăn uống nên gia đình chđã bchủ nđến siết nhà vài lần

Huôn tâm sự: “Vợ chồng mình chẳng biết đến khi nào mới trả hết số nợ trên, càng để lâu tiền tăng lên càng nhiều. Mì năm nay giá lại rẻ, thu hoặc cả hécta cũng chỉ được hơn chục triệu, còn tiền con mình đi học nữa, tiền mua gạo ăn nữa. Chắc cả đời vợ chồng mình cũng không trả hết đâu, tiền “đẻ” nhanh hơn tiền mình làm ra mà”.

Cũng như nhà Y Huôn, A Phiên vốn làm công nhân cao su với mức lương trên 2 triệu đồng/tháng, vợ Phiên ở nhà làm gần 1 ha mì, cuối năm thu hoạch được trên 10 triệu. Với thu nhập trên, cuộc sống vợ chồng Phiên không quá eo hẹp. Nhưng để phục vụ nhu cầu mua sắm cá nhân, hai vợ chồng đã đi vay 20 triệu đồng lãi cao, cuối năm phải trả lãi lên đến 40 triệu đồng. Với số nợ trên, đã vài năm nay vợ chồng Phiên trả mãi không hết. 

Chịu lãi suất nặng, nhiều gia đình dính nợ bị hối thúc trả nợ đã phải bán lúa non, mì non. Ông A Lên (75 tuổi, trú thôn Giăng Lố 1) kể, nhiều năm nay gia đình ông cũng là một con nợ vì vay nặng lãi. Hàng tháng để có gạo ăn, mắm muối… gia đình ông phải đi mua chịu ở quán và cuối năm phải trả lãi gấp đôi. Không chỉ chuyện ăn uống, mà bất kì khoản chi tiêu gì trong gia đình ông Lên cũng phải dựa vào những đồng tiền đi vay nặng lãi: “Tiền mình mua thuốc diệt cỏ, mua đồ ăn khô… cũng phải vay nợ lãi đến cuối năm trả gấp đôi. Nói chung lãi nhiều hơn nhà nước cho vay. Cuối năm mình phải bán mì non, lúa non với giá rẻ để trả cho họ, bán hết thì may ra trả mới đủ. Qua năm mình lại phải đi vay mới có tiền để sống vì mì và lúa mình bán để trả nợ hết rồi. Ở đây nhà nào cũng vậy thôi, phải đi vay mới có cái mà sống chứ”, ông Lên thổ lộ.

“Phải giữ bí mật người cho vay”

Sau nhiều năm không trả được nợ, gia đình nhà Y Huôn đã bị chủ nợ đến siết nhà. Sau một thời gian năn nỉ, hứa sẽ cố gắng trả hết nợ, vợ chồng, con cái Huôn mới được vào ở trong nhà của mình. “Họ đến lấy nhà mình để xóa nợ, họ khóa cửa không cho gia đình mình vào ở, nhưng mình và chồng đã năn nỉ mãi nên họ mới cho vợ chồng mình ở để làm ăn có tiền trả cho họ”, Y Huôn buồn rầu kể lại.

Tình cảnh khốn khổ vì vay nặng lãi ở Sa Loon không phải là hiếm song có điều lạ là khi được hỏi về các chủ nợ thì tất cả những con nợ đều lắc đầu không “khai”. Bản thân gia đình Huôn dù đã bị chủ nợ đến siết nhà nhưng Huôn vẫn coi chủ nợ như ân nhân, quyết... giữ chữ tín. “Ô! Người ta cho mình vay thì mình phải giữ bí mật cho người ta chứ”- Y Huôn quả quyết nói.

B
Bà Y Tin- Chủ tịch Mặt trận tổ quốc cho biết tình trạng vay nặng lãi của người dân trong xã đang diễn ra khá nhiều

Trước tình hình trên, trao đổi với chúng tôi, bà Y Tin- Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Sa Loon - cho biết, trên địa bàn xã có 1.140 hộ (trong đó hộ nghèo chiếm 34%) với 15 dân tộc sinh sống. Tình trạng nhiều người dân bất chấp mọi hậu quả để đi vay nặng lãi không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng mãi đến năm 2005 chính quyền xã mới phát hiện có rất nhiều gia đình đã đi vay nợ lãi để mua sắm, chi tiêu cá nhân. Hình thức vay là đầu năm hoặc giữa năm vay bao nhiêu thì cuối năm phải trả gấp đôi số tiền đó. Và hầu hết số tiền người dân vay là từ 20-50 triệu đồng.

Trước vấn nạn trên, chính quyền địa phương cũng đã đi tuyên truyền, vận động nhưng “do đời sống của người dân nghèo khổ mà nhu cầu vật chất cao nên tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, bà con cũng vay nặng lãi để xây nhà vì không muốn ở nhà tranh, vách nứa”, bà Tin cho biết.

Bà Tin cũng nói thêm, các chủ nợ cho vay lãi “cắt cổ” trên không phải ai xa lạ mà chính là những người dân có tiền trong làng, xã. Không chỉ người Kinh cho vay mà cả một số gia đình người dân tộc thiểu số có điều kiện khá giả cũng cho hàng xóm, họ hàng của mình vay nặng lãi kiếm lời.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tên một số chủ nợ thì cả bà Tin cũng... không tiết lộ (!).

Thiên Thư