Vườn thực vật Hà Nội sẽ được khai thác làm du lịch

(Dân trí) - Ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết, khoảng 2-3 năm tới, công ty sẽ đưa Vườn thực vật Hà Nội vào khai thác làm du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn, phát triển các loài cây quý.

Trước đó, Báo Dân trí đã đăng tải bài viết “Vườn thực vật Hà Nội – nơi hội tụ nhiều loài cây quý – đang bị “bỏ rơi””, phản ánh về khu Vườn thực vật Hà Nội ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) rộng tới 20ha, hội tụ nhiều loài cây quý nhưng lại đang bị “bỏ rơi”.

Một góc Vườn thực vật Hà Nội nhìn từ trên cao.
Một góc Vườn thực vật Hà Nội nhìn từ trên cao.

Nhiều chuyên gia về thực vật cho rằng, Vườn thực vật Hà Nội bị “bỏ rơi” như vậy là điều rất đáng tiếc và không thể chấp nhận được. Đơn vị được giao quản lý, chăm sóc khu vườn này đã vi phạm Luật đa dạng sinh học đã được Quốc hội ban hành ngày 13/11/2008.

Ông Nguyễn Khánh Xuân, nguyên Viện phó Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Mục tiêu ban đầu tư xây dựng Vườn thực vật Hà Nội là nhằm sưu tầm, bảo quản các loại thực vật quý hiếm, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí của nhân dân. “Mục tiêu ban đầu là thế, nhưng giờ đến chiếc biển hiệu của vườn cũng bị tháo xuống” – ông Xuân nói.

Lối đi trong Vườn thực vật đã xuống cấp, không được tu sửa.
Lối đi trong Vườn thực vật đã xuống cấp, không được tu sửa.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (đơn vị quản lý Vườn thực vật Hà Nội).

Ông Tuấn cho biết, Vườn thực vật Hà Nội đã được Sở NN&PTNT Hà Nội, TP Hà Nội giao công ty quản lý và chăm sóc. Sở dĩ khu vườn này chưa triển khai làm du lịch để người dân vào tham quan, nghiên cứu là chờ những cây trong vườn phát triển ổn định thêm một thời gian nữa.

“Chúng tôi để cho những cây trong vườn phát triển, sinh trưởng một thời gian nữa thì mới tính đến khai thác vườn làm du lịch, cho người dân vào tham quan, nghiên cứu. Chắc khoảng 2-3 năm nữa chúng tôi sẽ triển khai tu bổ, sửa chữa nhiều hạng mục của vườn. Chắc chắn khi triển khai làm du lịch, thì đây chính là điểm đến lý tưởng của người dân Thủ đô Hà Nội và người dân cả nước đến tham quan, nghiên cứu về các loài cây quý” – ông Tuấn cho biết.

Về thông tin cho rằng, công ty đang gặp khó khăn tài chính nên đã “bỏ rơi” khu vườn này nhiều năm qua, ông Tuấn giải thích: Công ty hoàn toàn đủ kinh phí để duy trì, chăm sóc vườn. Công việc chăm sóc các loài cây trong vườn vẫn được làm thường xuyên, các cây đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Xuân, việc chăm sóc cây thường xuyên trong vườn không phải cứ để cây tự sống mà cần phải thực hiện các công việc như: cắt bỏ bớt những cây không có giá trị như cây keo được trồng ban đầu để làm bóng mát các cây con mới trồng. Ngoài ra, ông Xuân cho rằng, công ty cần tiến hành đeo biển tên cho từng cây trong vườn, để tiện phân biệt, dễ dàng chăm sóc hơn.

“Công ty cần phải cho chặt bỏ bớt những cây keo không cần thiết để tạo ánh sáng cho các cây quý có điều kiện phát triển tốt hơn. Những cây keo này trước đây được trồng để tạo bóng mát cho những cây con. Tuy nhiên, chặt cây keo nào cũng cần được tính toán cho phù hợp” – ông Xuân nói.

Ông Nguyễn Khánh Xuân (bìa trái) làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội.
Ông Nguyễn Khánh Xuân (bìa trái) làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội.

Trước ý kiến trên của ông Xuân, ông Lê Văn Tuấn đã tiếp thu và mời ông Xuân và một vị chuyên gia về thực vật khác trợ giúp công ty công việc này.

Cũng liên quan đến vấn đề này, phóng viên Dân trí đã liên hệ với Sở NN&PTNT Hà Nội để tìm hiểu thêm về công tác quản lý Vườn thực vật Hà Nội nói trên. Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, khu vườn này đã được giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội quản lý và chăm sóc. Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ quản lý những cây đầu dòng.

Theo thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Cây đầu dòng: là cây có năng suất, chất lượng cao và ổn định, tính chống chịu tốt hơn hẳn các cây khác trong quần thể một giống (giống địa phương, giống mới chọn tạo, giống nhập nội) được cơ quan có thẩm quyền bình tuyển và công nhận để làm nguồn vật liệu nhân giống.

Vườn cây đầu dòng: là vườn cây được nhân bằng phương pháp vô tính từ cây đầu dòng; được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và công nhận để làm nguồn vật liệu nhân giống.

Nguyễn Dương