"Vùng nguy hiểm" khẩn trương đối phó bão số 7

(Dân trí) - Sáng ngày 6/10, tại Bình Định bắt đầu có mưa to, gió mạnh dần lên cấp 5, cấp 6. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung triển khai xuống các địa phương sẵn sáng đối phó với bão.

Ghi nhận của PV Dân trí tại Bình Định sáng nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa to trên diện rộng, lượng mưa từ 30-60mm, gió mạnh dần lên từ cấp 5 đến cấp 6. Theo dự báo, khoảng 16 giờ chiều nay bão sẽ tiến sát vào đất liền gây mưa to và gió mạnh cấp 9, cấp 10.

Ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thăm chỉ đạo di dời dân về nơi an toàn.
Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thăm chỉ đạo di dời dân về nơi an toàn. (Ảnh: Doãn Công)

Trước tình hình mưa bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đã chuẩn bị nhân lực, vật lực tại chỗ sẵn sàng đối phó với mưa bão. Nông dân các huyện đang khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu đem về nhà với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Các hộ dân ở khu vực xung yếu, vùng nguy hiểm đã được di dời vào nơi an toàn.

Tại huyện Tuy Phước đã hoàn tất công tác di dời dân, đặc biệt là 7 hộ dân ở khu Đồng Sam (xã Phước Thuận) đã di dời về chỗ ở an toàn. Công tác gia cố, hộ đê nhất là đoạn đê xung yếu sông Hà Thanh, được khẩn trương tiến hành. Đến nay huyện đã huy động hàng ngàn bao tải cát, cọc tre,... tập kết tại các đoạn đê xung yếu; huy động lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ sẵn sàng túc trực 24/24 giờ.

Người dân chặn mái nhà chống gió thổi tốc mái.
Người dân chặn mái nhà chống gió thổi tốc mái. (Ảnh: Doãn Công)

Ông Trần Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Tuy Phước thuộc vùng nguy hiểm cao, lãnh đạo huyện đã lên phương án triển khai xuống từng địa phương, nhất là những vùng dân cư nguy hiểm, gần sông, vùng trũng; gia cố đê điều, các công trình xung yếu ở khu Đông; chuẩn bị vật tư và phương tiện... sẵn sàng ứng phó với mưa bão”.

Ngư dân neo đậu tàu thuyền về nơi an toàn.
Ngư dân neo đậu tàu thuyền về nơi an toàn. (Ảnh: Doãn Công)

Tại huyện Phù Cát, công tác di dời dân, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh bão đã được triển khai rất khẩn trương. Tính đến sáng nay, có 152 hộ dân với 450 nhân khẩu sinh sống ở những vùng nguy hiểm ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến; An Quang Đông, xã Cát Khánh, thôn Tân Thắng, xã Cát Hải đã di dời đến nơi an toàn. Nông dân các địa phương cũng đã kịp thu hoạch hơn 3 nghìn ha lúa vụ 3.

 Tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) có trên 100 hộ dân đang di dời đến nơi an toàn đã được triển khai khẩn trương, nhiều ngư dân đã đưa tàu thuyền vào bờ.

Người dân huyện Tuy Phước được đưa về nơi an toàn.
Người dân huyện Tuy Phước được đưa về nơi an toàn. (Ảnh: Doãn Công)

Hàng vạn ngư dân đều đã nhận được thông tin về cơn bão số 7 và đã di chuyển tàu ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương trong tỉnh đã di dời 12.000 người dân sinh sống ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
 
Huế tuy không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 7 nhưng bắt đầu từ chiều nay đã  có mưa rất to. Càng về chiều có gió càng mạnh. Trước đó, nhiều người dân Huế đã chủ động ràng buộc lại nhà cửa để đối phó với cơn bão. Các nhân viên Trung tâm cây xanh Huế đi chặt phát nhiều cây lớn trên đường để tránh tình trạng gãy đổ.

Chặt các nhánh cây to tại đường phố Huế chiều 5/10 trước cơn bão số 7 sắp đến (Ảnh: Đại Dương)
Chặt các nhánh cây to tại đường phố Huế chiều 5/10 trước cơn bão số 7 sắp đến (Ảnh: Đại Dương)

Tại xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) sau khi đắp khẩn cấp đoạn đê biển xung yếu gần 200m tại xóm Ghềnh, thôn Thái Dương Hạ Nam – nơi biển cách đầm phá đang là nơi sản xuất tôm cá của hơn 100 hộ dân, đến nay còn 56 hộ dân ở thôn Cồn Đâu gần đó đang chuẩn bị di dời khẩn cấp nếu bão ảnh hưởng mạnh.

Tại thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang hiện có 20 hộ dân với 96 nhân khẩu đang ở cạnh khu vực sạt lở bờ biển nặng, nơi gần nhất chỉ 20 m. Lãnh đạo xã này cho biết đã có phương an di dời các hộ dân này đến nơi an toàn.

Chặt các nhánh cây to tại đường phố Huế chiều 5/10 trước cơn bão số 7 sắp đến (Ảnh: Đại Dương)
Đoạn đê biển xung yếu nhất tỉnh TT-Huế ở xã Hải Dương (TX Hương Trà) đã được đắp xong (Ảnh: Đại Dương)

Theo báo cáo nhanh của Bộ đội biên phòng tỉnh, tất cả 1.810 phương tiện đánh bắt thủy sản trên 20 CV của tỉnh với hơn 9.000 lao động đã vào bờ trú ẩn an toàn.
 
Cho đến 10h hôm nay, các địa phương ven biển đã hoàn thành công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 đang dần đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi. Tại huyện Đức Phổ, hơn 350 tàu thuyền đã vào nơi trú bão, tăng cường neo cột tàu thuyền an toàn, bên cạnh đó huyện Đức Phổ đã di chuyển 10 hộ dân đến nơi an toàn.
 
Giăng bạt bảo vệ tàu thuyền

Giăng bạt bảo vệ tàu thuyền

Cảnh sát biển tuần tra nhắc nhở ngư dân tránh bão (Ảnh: Hồng Long)

Cảnh sát biển tuần tra nhắc nhở ngư dân tránh bão (Ảnh: Hồng Long)

 

Tại khu vực cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), hơn 1.000 tàu thuyền các loại ở nhiều địa phương cũng đã vào cảng trú bão. Đối với một số tàu thuyền loại nhỏ, ngư dân dùng bạt che phủ kín tránh gió và mưa gây thiệt hại.

 

Theo ghi nhận của PV Dân trí, sáng ngày 6/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện nhiều đợt mưa lớn và gió nhẹ. Tuy nhiên không ảnh hưởng và gây thiệt hại tài sản của người dân.
 
Ra biển lấy cát về gia cố đê và mái nhà (Ảnh: Hồng Long)
Ra biển lấy cát về gia cố đê và mái nhà (Ảnh: Hồng Long)

 

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết: “Đến cuối giờ sáng hôm nay, huyện Lý Sơn vẫn chưa bị ảnh hưởng lớn của bão số 7. Trước đó, địa phương đã tăng cường kiểm tra, yêu cầu người dân dùng bao cát chèn trên mái nhà tránh gió to làm hất mái tôn, gạch trên nóc nhà”.

 

Nhóm PV miền Trung