Thanh Hoá:

Vừa "tối mặt" vì lũ lại phải tức tốc ứng phó bão số 5

(Dân trí) - Nhiều huyện miền núi Thanh Hóa vẫn chưa “gượng dậy” nổi sau đợt mưa lũ vừa qua. Trong bối cảnh đó, địa phương lại được xác định là nơi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5. Thanh Hoá vừa ban hành công điện hỏa tốc ứng phó với bão.

Đợt mưa lũ vừa qua, tại Thanh Hóa có 12 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi vừa thoát khỏi cảnh cô lập, chưa “gượng dậy” nổi sau mưa lũ, đang phải tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả.

Nhiều địa phương Thanh Hóa vừa trải qua trận lũ lịch sử, đang đối diện khả năng ảnh hưởng của cơn bão số 5
Nhiều địa phương Thanh Hóa vừa trải qua trận lũ lịch sử, đang đối diện khả năng ảnh hưởng của cơn bão số 5

Trong khi đó, cơn bão số 5 được dự báo nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến Thanh Hóa. Hiện nay, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn cơ bản đã tích đầy nước...

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành công điện hỏa tốc yêu cầu tổ chức trực ban 24/24 giờ, chủ động ứng phó với bão số 5 và bão Mangkhut.

Ông Xứng yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Mưa lũ tại Thanh Hóa đã gây thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng
Mưa lũ tại Thanh Hóa đã gây thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển, đặc biệt đối với khách du lịch trên biển.

Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt; đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp ven biển để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Đối với các huyện miền núi chỉ đạo các tổ đội xung kích kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh, đặc biệt lưu ý những khu vực vừa bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất.

Nguy cơ sạt lở trở lại gây chia cắt, cô lập nếu bão ảnh hưởng vào Thanh Hóa
Nguy cơ sạt lở trở lại gây chia cắt, cô lập nếu bão ảnh hưởng vào Thanh Hóa

Tổ chức cắm biển cảnh báo, lực lượng sẵn sàng kiểm tra, tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, các khu vực sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.

Với các hồ thủy lợi, thủy điện đã tích đầy nước, để chủ động có phương án điều tiết đảm bảo an toàn, cần liên tục cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa và căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo vận hành phù hợp.

Đối với hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để đảm bảo khả năng điều tiết lũ và an toàn hồ đập; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ để chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Duy Tuyên