Vụ tàu đâm ô tô, 6 người chết: Người gác chắn đường tàu nói gì?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng làm 6 người chết, 1 người bị thương nặng xảy ra tại xã Văn Bình (Thường Tín – Hà Nội) vào sáng nay (24/10), cơ quan chức năng cho biết, barie gần vị trí xảy ra tai nạn do 1 doanh nghiệp gần đó tự lắp đặt, còn người gác chắn do doanh nghiệp này thuê.

Công nhân đang khắc phục sự cố sau vụ tai nạn nghiêm trọng sáng nay.
Công nhân đang khắc phục sự cố sau vụ tai nạn nghiêm trọng sáng nay.

Theo quan sát của phóng viên Dân trí tại hiện trường vụ tai nạn nói trên, khu vực đường ngang dân sinh qua đường tàu có cột đèn báo, có chuông báo tự động và có barie. Tuy nhiên, theo người dân gần hiện trường, tại thời điểm xảy ra tai nạn không có người gác chắn ở đó, nên barie không được hạ xuống để cảnh báo cho người tham gia giao thông.

Vị trí xảy ra tai nạn có rào chắn barie.
Vị trí xảy ra tai nạn có rào chắn barie.

Chiếc barie (rào chắn) do 1 doanh nghiệp tự lắp đặt một cách thô sơ để cảnh báo cho người tham gia giao thông.
Chiếc barie (rào chắn) do 1 doanh nghiệp tự lắp đặt một cách thô sơ để cảnh báo cho người tham gia giao thông.

Chòi dành cho người gác chắn bị hư hỏng khá nặng sau vụ tai nạn.
Chòi dành cho người gác chắn bị hư hỏng khá nặng sau vụ tai nạn.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Dân trí, ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Vị trí xảy ra vụ tai nạn đường sắt sáng nay (24/10), ngành đường sắt có lắp đặt cột đèn báo, chuông tự động. Còn barie là do 1 doanh nghiệp gần đó tự lắp đặt và thuê người gác chắn tại đó, không thuộc quản lý của ngành đường sắt”.

Qua tìm hiểu, chiếc barie tại vị trí tai nạn nói trên do một doanh nghiệp gần đó tự lắp đặt đã được khoảng 4 năm và thuê 1 người đàn ông 71 tuổi làm nhiệm vụ hạ barie xuống khi có tín hiệu tàu sắp tới. Thời gian làm việc của người đàn ông này, sáng từ 7h-11h, chiều từ 13h-19h.

Ông Định trao đổi với PV Dân trí.
Ông Định trao đổi với PV Dân trí.

Sáng cùng ngày, PV Dân trí đã tìm gặp được ông Nguyễn Hữu Định (71 tuổi), người gác chắn barie ở vị trí tai nạn nói trên, ông Định cho biết: “Do khu vực này nhiều phương tiện qua lại, nhiều vụ tai nạn xảy ra rồi, nên cách đây 4 năm 1 doanh nghiệp gần đó đã tự lắp đặt chiếc barie để cảnh báo cho mọi người. Doanh nghiệp này thuê tôi làm nhiệm vụ hạ xuống, nâng barie lên mỗi khi có tàu qua lại. Thời gian làm việc của tôi, sáng từ 7h-11h, chiều 13h-19h. Hôm nay xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng là lúc đó tôi đang ngủ ở nhà, ngoài giờ làm việc của tôi”.

Ông Định cũng như người dân khu vực mong muốn, ngành đường sắt cần lắp đặt barie và bố trí công nhân gác chắn 24/24h tại vị trí xảy ra vụ tai nạn nói trên, vì rất đông các phương tiện qua lại.

Còn theo ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong thời gian tới, ngành đường sắt sẽ cho lắp đặt hệ thống barie theo qui chuẩn và bố trí người gác chắn 24/24h tại vị trí tai nạn nói trên.

Ông Hoạch cho biết thêm, ngay khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên, ngành đường sắt đã bố trí người xuống hiện trường phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết vụ tai nạn và khắc phục cơ sở vật chất bị hư hỏng.

“Trước mắt, chúng tôi hỗ trợ mỗi nạn nhân bị tử vong 10 triệu đồng, người bị thương 3 triệu đồng” – ông Hoạch nói thêm.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, khoảng 5h30 sáng nay (24/10), đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa và xe ô tô ở khu vực đường ngang dân sinh tại thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Hậu quả, vụ tai nạn làm 7 người trên xe ô tô thương vong (trong đó 6 người chết, 1 người bị thương).

Vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Nguyễn Dương