Vụ sập hầm vùi lấp 12 công nhân và bản lĩnh người chiến sỹ công binh

(Dân trí) - Ngày 16/12, tròn một năm sau ngày xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lạc Dương, Lâm Đồng) vùi lấp 12 công nhân. Lực lượng công binh Việt Nam đã sử dụng phương pháp “hầm trong cát” giải cứu toàn bộ nhóm công nhân sau hơn 80 giờ vật lộn dưới lòng đất…

Nhớ lại vụ tai nạn sập hầm kinh hoàng xảy ra một năm trước, vào sáng sớm hôm thứ ba sau vụ sập hầm (tức ngày 18/12/2014), công tác tiếp cận nhóm công nhân bị nạn được triển khai từ 3 hướng, gồm: 3 mũi khoan cửa hầm chính, 1 mũi khoan ở cửa hầm phụ và một mũi khoan từ đỉnh đồi. Tuy nhiên, mũi khoan từ đỉnh đồi liên tiếp bị gãy do vấp phải đá mồ côi, những tảng đá rất cứng được hình thành dưới lớp đất đỏ Ba-zan.

Tính mạng các công nhân lúc này có thể ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Một tổ cứu nạn của Tập Đoàn CN Than khoáng sản Việt Nam đã “hiến kế” đào một ngách hầm bên phải trong nỗ lực tiếp cận nạn nhân. Khi đó, một số chuyên gia nhận định ngách hầm này có thể mất 2-3 ngày mới hoàn thành.

Bên trong hầm, 12 công nhân đang bị nước dâng cao uy hiếp, thậm chí có người đã bị ngất xỉu do lạnh, đói. Lực lượng chức năng cũng tính đến phương án bắn mìn trong phạm vi hẹp để phá những tảng đá cản trở việc đào, đắp ngách hầm này nhưng nhiều ý kiến lo ngại nguy hiểm.

 

Giây phút bộ đội công binh giải cứu 12 công nhân mắc kẹt bên trong hầm Đạ Đâng (Lâm Đồng)
Giây phút bộ đội công binh giải cứu 12 công nhân mắc kẹt bên trong hầm Đạ Đâng (Lâm Đồng)

 

Chiều hôm thứ ba, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã có mặt tại hiện trường. Phó Thủ tướng đánh giá việc đào ngách hầm bên phải đang gặp nhiều khó khăn do vùng địa chất ở đây rất yếu, nếu không tính toán kỹ có thể sẽ gây sạt lở, nguy hiểm không chỉ cho các lực lượng đào hầm mà cả chính bản thân 12 công nhân đang mắc kẹt phía trong. Thông tin khi đó từ Phó Thủ tướng, dự kiến mỗi ngày ngách hầm này chỉ có thể đào 8m và phải mất 3 ngày, đường hầm này mới có thể tiếp cận được vị trí nạn nhân mắc kẹt.

Điều này, đồng nghĩa với việc nhóm 12 công nhân bị nạn sẽ phải chiến đấu thêm từng ấy thời gian. Không ít người lo ngại liệu họ có cầm cự đến 3 ngày nữa trong điều kiện thiếu ô-xi, lạnh và đói...

Điều đáng nói, trước đó vào sáng sớm hôm thứ ba, ít ai chú ý đến sự hiện diện của Lữ đoàn công binh 293, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh đóng quân tại Cam Ranh. Ngay chiều tối hôm đó, lực lượng công binh đã tổ chức “mở đường máu” ngách hầm bên trái nhằm thêm hướng tiếp cận. Lúc này, lực lượng cứu nạn đã tổ chức đào cùng lúc 2 ngách hầm trái - phải.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, người được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao chỉ huy toàn bộ lực lượng cứu hộ trong hầm, sáng hôm thứ tư (19/12) đã tiết lộ riêng với tôi rằng, tổng chiều dài ngách hầm bên trái khoảng 30m nhưng đêm qua công binh đã đào được hơn 10m. Ông từ chối cho biết dự kiến thời gian hoàn tất ngách hầm.

Theo Đại tá Hùng, khó khăn lớn nhất khi đào ngách hầm bên trái là việc chống đỡ sạt trượt từ đỉnh đồi, cùng với đó là điều kiện địa chất không thuận lợi nên không thể đưa phương tiện cơ giới vào khoan hầm, chỉ có thể đào thủ công bằng sức người nên tốc độ khá chậm.

 


Nụ cười chiến thắng của công binh Việt Nam giây phút giải cứu thành công toàn bộ 12 nạn nhân!

Nụ cười chiến thắng của công binh Việt Nam giây phút giải cứu thành công toàn bộ 12 nạn nhân!

 

Từ thông tin Đại tá Hùng tiết lộ, ai cũng nghĩ rằng ít nhất là phải đến sáng hôm sau hoặc sớm hơn là vào nửa đêm thì nhóm công nhân có thể sẽ được giải cứu. Tuy nhiên đến khoảng 16h30 hôm đó (19/12), lực lượng bộ đội công binh đã bất ngờ đưa toàn bộ 12 công nhân chạy thoát ra cửa hầm chính!

Hàng trăm người vỡ òa, bật khóc trong khung cảnh hỗn loạn! Tiếng la hét của sự vui mừng, sung sướng! Tiếng vỗ tay hoan nghênh của người dân vang rền cả một vùng đồi! Những người hùng của cuộc giải cứu thần kỳ, các anh chiến sỹ công binh mặt mày lấm lem bùn đất, nở nụ cười chiến thắng! Họ được bế trên hàng chục đôi tay nâng lên hạ xuống.

Sau này khi trả lời phỏng vấn, Đại tá Hùng nói lực lượng công binh đã sử dụng các phương pháp thi công khoa học, trong đó có một số biện pháp truyền thống như phương pháp “hầm trong cát” để giải cứu 12 công nhân. Ông cũng cho biết cửa hầm của lực lượng công binh chỉ có 19,5m là vào được vị trí các nạn nhân. Hướng thi công hầm là chạy theo đường thẳng, không chạy theo đường xiên nên rút ngắn khoảng một ngày so với đào vòng.

 

Trước đó, vào sáng 16/12/2014, một nhóm công nhân đang làm việc trong đường hầm Đạ Dâng thì khối đất đá, bê tông bất ngờ sổ sụp. Một vài công nhân kịp thoát ra ngoài, nhưng có 12 công nhân đã bị lấp kín ở cả 2 đầu khiến họ bị “chôn sống” hơn 80 giờ dưới lòng đất.

Công trình thuỷ điện Đa Dâng – Đa Chomo có tổng công suất 22 MW với tổng mức đầu tư 475 tỷ đồng. Công trình này gồm hai nhà máy thuỷ điện liên hoàn – Nhà máy thuỷ điện Đạ Dâng đặt trên dòng sông Đa Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và Nhà máy thuỷ điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông Đa Dâng, tại xã Phi Tô, Lâm Hà, Lâm Đồng).

 

Viết Hảo