Vụ nứt đất bất thường tại Đà Lạt: Ống cấp nước bị rò rỉ

(Dân trí) - Sau khi khảo sát tại một điểm tại khu vực xảy ra hiện tượng nứt, lún đất thường ở Đà Lạt, cơ quan chức năng phát hiện một đường ống nước sinh hoạt bị rò rỉ, nước chảy mạnh trong lòng đất.

Ngày 29/4, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) phối hợp cùng Công ty cấp thoát nước Lâm Đồng tiến hành kiểm tra các đường ống dẫn nước sinh hoạt trong khu vực đất bị nứt, lún đất bất thường tại đường Nguyễn Văn Trỗi (Phường 2, TP Đà Lạt).

Sau khi khảo sát và đào vỉa hè tại căn nhà số 25 (thuộc khu vực điểm đầu của vết nứt kéo dài đến các nhà số 27 Nguyễn Văn Trỗi), cơ quan chức năng phát hiện một đường ống nước sinh hoạt bị rò rỉ, nước chảy mạnh trong lòng đất. Theo quan sát, đường ống tại khu vực này khá cũ, tại một khớp nối của đường ống, nước phun mạnh ra ngoài.

Nứt, lún đất bất thường tại Đà Lạt khiến người dân vô cùng hoang mang
Nứt, lún đất bất thường tại Đà Lạt khiến người dân vô cùng hoang mang

Ngay khi phát hiện tình trạng trên, Công ty cấp thoát nước Lâm Đồng đã khoá toàn bộ hệ thống nước trong khu vực này. Đồng thời, ngành chức năng cũng tiếp tục đào dọc các đường ống nước sinh hoạt để kiểm tra xem còn điểm rò rỉ nào khác, qua đó nhằm xác định nguyên nhân chính thức của hiện tượng nứt, lún đất tại khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi khiến người dân hoang mang trong những ngày qua.

Trước đó, sau buổi làm việc với các chuyên gia địa chất Nhật Bản và TPHCM, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân ban đầu của hiện tượng lún, nứt đất tại đường Nguyễn Văn Trỗi có thể do nền đất yếu. Trước đây, khu vực này được người dân tiến hành san ủi để hình thành khu dân cư nên kết cấu đất khá yếu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lớn, đất nền bị sụt lún, nứt như hiện tại.

Được biết, sau hiện tượng nứt lún đất bất thường, Công ty CP Địa chất Kawasaki (Nhật Bản) cùng cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nhằm phát hiện và cảnh báo kịp thời hiện tượng lún đất, nứt tường tại khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi và Trương Công Định (phường 2, Đà Lạt).

Thiết bị bao gồm một dây giãn đặc biệt đặt trong ống nhựa (dài khoảng 10m, đường kính 9cm). Nếu những căn nhà tiếp tục dịch chuyển, sợi dây này sẽ giãn ra và thiết bị sẽ đo được sự dịch chuyển. Nhờ vậy, các chuyên gia sẽ liên tục thu được dữ liệu và cảnh báo kịp thời nếu có sự cố nghiêm trọng.

Hiện, nguyên nhân của vụ nứt, lún đất bất thường ở Đà Lạt vẫn chưa có kết luận chính thức. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra để xác định rõ nguyên nhân và tìm hướng khắc.

Minh Anh