Long An:

Vụ nuôi động vật hoang dã, quý hiếm trong..."chuồng gà": Hơn 30 cá thể thú nuôi đến từ đâu?

(Dân trí) - Hơn 30 cá thể thú nuôi và động vật quý hiếm nuôi trong “chuồng gà” tại vườn thú Mỹ Quỳnh được cơ quan chức năng xác định gồm: 10 con tê giác trắng, 9 con hổ vàng và trắng, 9 con sư tử…số thú này có nguồn gốc Nam Phi và một số nước Nam Mỹ.

3-1456798147308

Sư tử được nhập từ Nam Phi nhưng phải sống trong môi trường sơ sài

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Long An về tình hình hoạt động nuôi thú của vườn thú Mỹ Quỳnh đóng tại địa bàn huyện Đức Hòa thì ngày 14/10/2015, Chi cục Kiểm lâm Long An đã kiểm tra chuồng nuôi nhốt thú và xác nhận vườn thú Mỹ Quỳnh chuyển từ TP. HCM về 37 cá thể thú nuôi và động vật quý hiếm. Cụ thể: 10 con tê giác trắng (9 con đực); 9 con hổ vàng và trắng (4 con đực); 9 con sư tử (4 con đực). Số thú này có nguồn gốc Nam Phi và một số nước Nam Mỹ.

Sau khi nhập thú về, do điều kiện chưa đảm bảo nên vườn thú Mỹ Quỳnh đã làm 2 hợp đồng cho mượn tê giác trắng và 2 hợp đồng trao tặng động vật cho vườn thú Phú Quốc, số lượng gồm 16 con tê giác, 8 con sư tử và 6 con hổ. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển 2 con tê giác không chịu đi nên chỉ cho mượn được 14 con.

Như vậy, hiện tại vườn thú Mỹ Quỳnh còn lại 5 con tê giác và 1 con sư tử và 3 con hổ. Tuy nhiên, do điều kiện chăm sóc chưa đảm bảo 1 con hổ vàng đã bị chết vào ngày 25/2 với nguyên nhân ban đầu nghi là có dấu hiệu thần kinh.

Trước tình trạng vườn thú Mỹ Quỳnh chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về nuôi các động vật quý hiếm gây chết 1 con hổ trong thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo vườn thú Mỹ Quỳnh thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng thú; thực hiện tốt quy trình quản lý bảo đảm an toàn cho người và thú nuôi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để đưa vườn thú vào hoạt động theo dự án đã được phê duyệt.

Riêng về trường hợp hổ chết, Sở đang cùng cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân và xử lý.

Vụ nuôi động vật hoang dã, quý hiếm trong..."chuồng gà": Hơn 30 cá thể thú nuôi đến từ đâu? - 2
Báo cáo và đề xuất của Sở NN&PTNT tỉnh Long An về tình trạng nuôi dưỡng động vật quý hiếm tại vườn thú Mỹ Quỳnh
Báo cáo và đề xuất của Sở NN&PTNT tỉnh Long An về tình trạng nuôi dưỡng động vật quý hiếm tại vườn thú Mỹ Quỳnh

Trước đó, một số hình ảnh về vườn thú Mỹ Quỳnh được công khai trên mạng khiến nhiều người tỏ ra khá “lo lắng” bởi sự sơ sài, tạm bợ của nó. Dù được đầu tư 280 tỉ đồng và được xây dựng hơn 4 năm (khởi công xây dựng từ năm 2012 và dự kiến sẽ triển khai vào năm 2017) nhưng cơ sở vật chất nơi đây vẫn khá tạm bợ, nhiều chuồng trại nuôi nhốt động vật quý hiếm nhìn như “chuồng gà”.

Trong khi đó, theo quy hoạch, Vườn thú Mỹ Quỳnh phải là mô hình công viên giải trí du lịch sinh thái, tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày nhân giống các loài động thực vật trong nước và các nước trên thế giới. Khu vườn thú phân ra 3 khu lớn gồm: Đảo tê giác và chim; khu họ mèo lớn, gấu và bò sát và khu thú móng guốc.

Trên website, Vườn thú Mỹ Quỳnh định hướng sẽ là khu Safari đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức và quản lý theo mô hình quốc tế với hơn 3.000 động vật hoang dã đến từ châu Phi, Việt Nam và các nước khác.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, khu vực nuôi nhốt thú nằm cạnh hai dãy nhà xưởng rộng hàng chục ngàn m2. Do vậy, từ sáng đến tối tiếng máy móc chạy ầm ầm bên trong nhà xưởng khiến nơi đây như một công trường đang xây dựng. Phía ngoài đường bao quanh vườn thú xe tải, xe ben chạy ầm ầm gây bụi và ô nhiễm nghiêm trọng. Do vậy, mỗi khi có xe chạy qua, các con thú quý hiếm bị nhốt bên trong lại gầm rú ầm ĩ.

Bên trong vườn thú, 5 con tê giác lớn đang đi loanh quanh trong khuôn viên khoảng 2ha. Có 3 con đứng gần cái chòi lá cùng vài con heo, một con đứng trong vũng nước nông choẹt, áng chừng không ngập qua móng chân tê giác. Một con khác đứng gần cái chòi lợp tôn cùng vài con gà. Những con tê giác này làn da khô ran vì không có chút bùn nào dính vào người. Mặt đất khu vực tê giác đất cũng khô ran. Chỉ có lác đã vài ngọn cỏ nào mọc được trên mặt đất, khu vực này được xây dựng khá tạm bợ với bức tường chỉ cao hơn 1m và được che chắn khá sơ sài.

Tê giác được nuôi tại vườn thú Mỹ Quỳnh
Tê giác được nuôi tại vườn thú Mỹ Quỳnh

Theo một chuyên gia về động vật, quy trình nuôi động vật quý hiếm như vườn thú Mỹ Quỳnh chưa đảm bảo chất lượng. Với tê giác, môi trường sống phải có nơi trú ẩn, phải có nơi bơi, và không thể ở suốt ngoài nắng. Việc ở trong môi trường quá nóng khiến tê giác dễ mệt mỏi và sinh bệnh. Việc nuôi hổ, sư tử cũng phải đảm bảo quy trình vệ sinh sạch sẽ để có thể phát triển ổn định.

Bà Huỳnh Thị Phép, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Long An cho biết: “Vườn thú Mỹ Quỳnh đã nộp hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa báo cáo đã thực hiện xong các công trình theo báo cáo hay chưa nên sở vẫn chưa kiểm tra và xác nhận”.

Xuân Hinh – Trung Kiên

Vụ nuôi động vật hoang dã, quý hiếm trong..."chuồng gà": Hơn 30 cá thể thú nuôi đến từ đâu? - 5