Vụ nữ sinh bị lột đồ, đánh đập: Toàn bộ giáo viên trong tỉnh sẽ họp rút kinh nghiệm

(Dân trí) - Lãnh đạo huyện Ân Thi (Hưng Yên) cho biết, trong tuần này, theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, toàn bộ giáo viên của địa phương này sẽ họp trực tuyến để Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin vụ việc nữ sinh N.T.H.Y. bị đánh hội đồng, xem đó là bài học rút kinh nghiệm.

Liên quan đến vụ nữ sinh N.T.H.Y. (Học sinh lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi - Hưng Yên) bị nhóm bạn cùng lớp lột đồ, đánh đập dã man ngay tại trường vào ngày 22/3 gây phẫn nộ dư luận mấy ngày qua, ông ông Dương Tuấn Doan - Chánh văn phòng UBND huyện Ân Thi, Hưng Yên - cho biết: trong tuần này, theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, toàn bộ giáo viên của địa phương này sẽ sẽ họp trực tuyến để Giám đốc sở GD&ĐT thông tin vụ việc nữ sinh N.T.H.Y. bị đánh hội đồng, xem đó là bài học rút kinh nghiệm.

Về vấn đề tiếp tục xử lý vụ việc trên, ông Doan cho biết thêm, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu công an huyện tập trung thu thập, hoàn thiện hồ sơ, giao công an tỉnh cử các điều tra giỏi nghiệp vụ xuống phối hợp huyện xác minh, có kết luận sớm nhất để trả lời công luận.

Ông Doan  khẳng định, quan điểm chung là xử lý nghiêm minh, sai phạm liên quan cá nhân, tập thể nào, xử lý đến đó.

Vụ nữ sinh bị lột đồ, đánh đập: Toàn bộ giáo viên trong tỉnh sẽ họp rút kinh nghiệm - 1

Hình ảnh em Y. co cụm chống đỡ khi bị nhóm bạn lột đồ, đánh đập dã man. (Ảnh cắt từ clip).

Cũng liên quan đến sự việc trên, sáng 31/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã đến tỉnh Hưng Yên làm việc, tại đây, ông Nhạ đánh giá: Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

“Tôi đề nghị, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét cho thôi. Đây là bài học không chỉ cho ngành giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước” - ông Nhạ nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc trên, ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo: Đối với Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng đề nghị xem xét làm quy trình xử lý cách chức, cách chức cả chi ủy nhà trường, cách chức tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, tình cảm diễn biến của học sinh.

Qua sự việc trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng: Từ sự việc này cho thấy, sự quan tâm, kiến thức và kỹ năng về bảo hộ trẻ em của Ban Giám hiệu, giáo viên và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm còn thiếu.

"Qua rất nhiều vụ việc, kể cả qua nghiên cứu ở các trường hợp điển hình cũng như nghiên cứu thống kê thì xu hướng ngày nay là các lớp học vì bệnh thành tích nên khi phát hiện sự việc thường muốn giữ lại để giải quyết nội bộ,  không có phối hợp với các đơn vị bên ngoài, kể cả trung tâm hỗ trợ nạn nhân là trẻ em, cũng như các cơ quan pháp luật để họ có biện pháp hỗ trợ xác minh, điều tra hay có các biện pháp tác động. Do muốn giữ lại để giải quyết nội bộ nên khi phát hiện thì sự việc đã muộn, bệnh thành tích càng làm cho vấn nạn bạo lực học đường càng trầm trọng" - ông Nam nói.

Nguyễn Dương