Vụ không công nhận liệt sĩ: Gia đình muốn đối thoại với Bộ LĐ-TB&XH

(Dân trí) - “Tôi kính đề nghị được đối thoại trực tiếp với Bộ LĐ-TB&XH có sự tham dự của các cơ quan, sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh Quảng Nam và các cơ quan báo chí để làm rõ cơ sở pháp lý và tính có căn cứ pháp luật của vụ việc với quý Bộ”.

Ngày 5/12, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đức Dũng (SN 1953), bố của anh Trần Văn Quý (SN 1987), kiểm lâm viên tử vong năm 2011 trong khi làm nhiệm vụ trục vớt gỗ dưới sông, cho biết, ông vừa gửi đơn đến Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan chức năng địa phương đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND xã Đại Sơn tiến hành làm rõ một số vấn đề có liên quan đến cái chết của con trai ông, để có cơ sở bổ sung hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xác nhận công nhận liệt sĩ cho anh Quý theo quy định của pháp luật.


Ông Trần Đức Dũng muốn được đối thoại với Bộ LĐ-TB&XH để làm rõ hơn vụ việc

Ông Trần Đức Dũng muốn được đối thoại với Bộ LĐ-TB&XH để làm rõ hơn vụ việc

Ông Dũng cho hay, qua sự việc trên gia đình ông đã được các cơ quan, ban ngành và các cấp chính quyền địa phương của tỉnh Quảng Nam nhiệt tình giúp đỡ. Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận anh Trần Văn Quý là liệt sĩ.

Theo ông Dũng, qua nghiên cứu nội dung Công văn 2110/LĐTBXH-NCC ngày 4/6/2015 của Bộ LĐ-TB&XH cũng như các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hồ sơ do cơ quan chức năng địa phương cung cấp cũng như ý kiến của ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) trên báo Dân trí; ông nhận thấy Bộ LĐ-TB&XH trả lời Công văn 2110/LĐTBXH-NCC ngày 4/6/2015 về việc xác nhận liệt sĩ đối với anh Trần Văn Quý gửi UBND tỉnh Quảng Nam là quá chậm trễ, thiếu trách nhiệm và chưa đảm bảo quy định pháp luật.

Vụ không công nhận liệt sĩ: Gia đình muốn đối thoại với Bộ LĐ-TB&XH - 2

Đơn của ông Dũng gửi Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Quảng Nam và cơ quan chức năng liên quan.

Đơn của ông Dũng gửi Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Quảng Nam và cơ quan chức năng liên quan.

“Kính đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nếu vẫn giữ quan điểm như ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công - đã phát biểu với báo chí như vừa qua và cho rằng Bộ đã giải quyết thấu đáo đối với trường hợp của Trần Văn Quý thì tôi kính đề nghị được đối thoại trực tiếp với Bộ có sự tham dự của các cơ quan, sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh Quảng Nam và các cơ quan báo chí để làm rõ cơ sở pháp lý và tính có căn cứ pháp luật của vụ việc với quý Bộ”, ông Dũng nói.

Luật sư Phạm Xuân Linh (Văn phòng luật sư Phụng Công - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) nêu quan điểm, nội dung Công văn số 2110/LĐTBXH-NCC ngày 4/6/2015 của Bộ LĐ-TB&XH đánh giá hành động vớt gỗ của anh Trần Văn Quý không phải là hành động dũng cảm để cứu tài sản của Nhà nước là chưa thấu đáo. Gia đình anh Trần Văn Quý đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét giải quyết lại vụ việc là có cơ sở.

Vụ không công nhận liệt sĩ: Gia đình muốn đối thoại với Bộ LĐ-TB&XH - 4
Biên bản của Công an huyện Đại Lộc về vụ việc anh Quý tử vong
Biên bản của Công an huyện Đại Lộc về vụ việc anh Quý tử vong

Thực tế diễn biến vụ việc đã cho thấy, số gỗ do lâm tặc cất giấu, vận chuyển trái phép dưới lòng sông Vu Gia tại khu vực thác Giầng Xây (Mò O, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) là tài sản của Nhà nước và sau khi anh Trần Văn Quý bị dòng nước xoáy cuốn trôi, các kiểm lâm viên đã phải tập trung lực lượng để cứu anh Quý nên số gỗ nêu trên đã bị dòng nước cuốn trôi mất.

Như vậy, có thế thấy việc trục vớt gỗ của các kiểm lâm viên (trong đó có anh Quý) rõ ràng là nhằm cứu tài sản Nhà nước và thực tế số gỗ này khi không được trục vớt kịp thời đã bị dòng nước cuốn trôi mất.

Theo biên bản sự việc ban đầu vào lúc 12h ngày 15/5/2011 đã thể hiện dòng nước rất sâu, rất mạnh chứ không phải nước cạn (các kiểm lâm viên phải bơi, chứ không phải là lội) và đây là biên bản sự việc ban đầu mang tính khách quan, phù hợp với diễn biến thực tế của vụ việc.

Vụ không công nhận liệt sĩ: Gia đình muốn đối thoại với Bộ LĐ-TB&XH - 6
Biên bản tại hiện trường sự việc
Biên bản tại hiện trường sự việc

Thực tế việc tìm kiếm anh Quý rất lâu, từ lúc 10h30 cho đến khoảng 13h10 ngày 15/5/2011 mới vớt được xác anh Quý và số gỗ không trục vớt kịp thời nên đã bị dòng nước cuốn mất, điều này đã cho thấy dòng nước rất lớn, rất mạnh và việc trục vớt số gỗ nêu trên là có nguy hiểm đến tính mạng nên theo Từ điển Tiếng Việt thì hành động của anh Quý là dũng cảm.

“Nếu Bộ LĐ-TB&XH vẫn cho rằng hành động này của anh Quý không phải là hành động dũng cảm và nếu gia đình anh Quý nhờ luật sư giúp đỡ về pháp lý, tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ gia đình anh Quý miễn phí và sẽ sẵn sàng đối thoại với Bộ về vấn đề này”, luật sư Linh nói.

Theo luật sư Linh, Công văn số 28/CV-CSĐT ngày 1/6/2011 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc không phải là căn cứ để giải quyết vụ việc này theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số: 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân (Công văn này chỉ là tài liệu tham khảo).

“Khoản 5 Điều 4 của Thông tư này quy định: “Trường hợp hy sinh quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 của Nghị định phải có biên bản xảy ra sự việc do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh hoặc UBND cấp xã nơi xảy ra sự việc lập””, ông Linh trình bày.

Công Bính

 

Vụ không công nhận liệt sĩ: Gia đình muốn đối thoại với Bộ LĐ-TB&XH - 8