Vụ gian lận thi: Cán bộ sai phạm, ra tòa vẫn nói kiểu… không còn liêm sỉ!

(Dân trí) - Phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội tại tổ, chiều 22/10, nhiều đại biểu Quốc hội lấy dẫn chứng việc xử lý vụ gian lận thi cử để minh chứng cho nhận định về những biểu hiện đáng báo động về đạo đức công chức...

Hoạt động thi cử bị xoáy vào vòng tiêu cực

Vụ gian lận thi: Cán bộ sai phạm, ra tòa vẫn nói kiểu… không còn liêm sỉ! - 1
Đại biểu Cao Đình Thưởng phát biểu tại tổ thảo luận.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhận xét, việc quản lý quy hoạch, đô thị bất cập nên nhiều vấn đề phát sinh không kiểm soát được, từ chuyện nước dâng ngập TPHCM, ô nhiễm không khí báo động tại Hà Nội. Tình trạng xây dựng nhà cao tầng ầm ĩ, phát triển “nóng” quá mức ở hai thành phố lớn nhất cả nước cũng gây nhiều hệ lụy.

“Cứ ô nhiễm môi trường ở đô thị, ô nhiễm cả không khí, nguồn nước như vừa qua là người dân chịu đủ” – ông Thưởng phát biểu.

Lĩnh vực giáo dục, ông Thưởng khái quát, cử tri không yên tâm với việc thực hiện bộ sách giáo khoa mới. Ông kêu gọi không tư nhân hóa việc viết sách giáo khoa. Theo đại biểu, việc này nòng cốt vẫn phải là Bộ GD-ĐT. Bộ Giáo dục nhất thiết phải chủ trì, chịu trách nhiệm với việc biên soạn để có một bộ sách chuẩn cho các địa phương lựa chọn, tránh tình trạng loạn sách giáo khoa.

Vấn đề thi cử, ông Thưởng băn khoăn, phải tiếp tục tính toán, tránh để biến phụ huynh học sinh thành vật thí điểm. Đại biểu cho rằng: “Thời gian qua, ngành giáo dục đã chịu khó xoay sở với việc tổ chức kỳ thi nhưng hiệu quả mang lại chưa thấy rõ. Tới đây có thông tin Bộ GD-ĐT lại tính áp dụng cách thức tổ chức thi này khác, dư luận lại hoang mang. Làm sao để hoạt động thi cử không bị xoáy vào vòng tiêu cực như vừa qua”.

Kết luận, kỷ luật kiểu né tránh, thà không có cho xong!

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rẳng, xử lý trách nhiệm vụ gian lận thi cử, dư luận xã hội không đặt nặng ở vấn đề sai sót xảy ra tới mức nào vì trong xã hội phát triển, chỗ này, chỗ khác, ở lĩnh vực nọ, lĩnh vực kia đều có thể phát sinh chuyện. Vấn đề người dân đặt ra là trước mỗi một sai sót, vi phạm, khuyết điểm như vậy thì tính trung thực của cán bộ nhà nước thế nào.

“Cách công bố các vi phạm, xác định nguyên nhân, cách xử lý như vừa qua, cử tri nhận xét là hình thức, là chống chế, như vậy là thiếu tôn trọng, coi thường nhân dân. Người dân thấy không thuyết phục khi không có cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo nào có con được nâng điểm nhận khuyết điểm cả. Dư luận đặt vấn đề, kết luận sai phạm, xử lý kỷ luật kiểu đó phải chăng là một sự né tránh?” – bà Quyết Tâm nói.

Đại biểu phản ánh, cử tri thậm chí nói, thà không làm những chuyện như tổ chức kiểm điểm, thi hành kỷ luật, thà đừng công bố kết luận kiểm tra… thì còn đỡ hơn chức công bố kết luận kiểu né tránh, thấy rất chua chát.

“Những kết luận kiểu như nâng điểm do quan tâm, do quan hệ cá nhân, không có chuyện tiền bạc… người dân nhận xét là thiếu sự trung thực. Cử tri đặt câu hỏi và yêu cầu đại biểu Quốc hội nêu vấn đề này với các cấp lãnh đạo, để làm sao trước mỗi sự cố phải đánh giá, nhận định khách quan, thẳng thắn để rút kinh nghiệm, không tái phạm, kỷ luật cũng có tính răn đe cao hơn” – nữ đại biểu TPHCM nêu rõ.

Hiện tượng biến thái về tu hành, lạm dụng tôn giáo để trục lợi

Cũng tiếp cận tới vấn đề xã hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) không an tâm khi dấu hiệu đạo đức của công chức đang rất đáng báo động.

“Có những người ra toà mà nói không còn liêm sỉ. Điều này đánh mất niềm tin của nhân dân” – bà Phong Lan nhắc tới diễn biến phiên tòa vụ gian lận thi cử diễn ra ở 3 địa phương vừa qua để minh chứng cho nhận định của mình.

Vụ gian lận thi: Cán bộ sai phạm, ra tòa vẫn nói kiểu… không còn liêm sỉ! - 2
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo, đạo đức công chức rất đáng báo động.

Đại biểu trình bày đầy bức xúc: “Thủa chúng tôi đi học, đi thi, chỉ hơn nhau 0,5 điểm là đã không còn cơ hội. Vậy mà giờ để xảy ra gian lận nghiêm trọng như vậy, cướp đi cơ hội của bao người vậy mà những cán bộ, lãnh đạo làm sai vẫn không ăn năn”.

Bà Lan cũng nhận xét, thái độ chối tội của nhiều cán bộ tham gia trong vụ việc này “hết sức ấu trĩ”.

“Khi đã bị phát hiện không có thái độ ăn năn mà vẫn cố chối tội, chối được cái gì thì chối” – bà Lan nói và cho rằng, phải xem lại đạo đức công vụ, thậm chí là đạo đức của những cán bộ làm quản lý vì nó đã phá vỡ những cố gắng chung trong quá trình xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.

Ở góc nhìn khác, trăn trở về tình trạng xuống cấp về đạo đức trong gia đình, xã hội và các mối quan hệ xã hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, tìm giải pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức trong gia đình, nhà trường và các mối quan hệ xã hội.

Ông Vân phản ánh, thực tế đã có tình trạng tội phạm bộc phát, biến thái bất thường. Trong văn hoá vẫn có trường hợp biến thái về tu hành, lạm dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi, làm sứt mẻ thanh danh của tôn giáo chân chính.

Để chấn chỉnh, theo đại biểu Vân, sự tiên phong gương mẫu là yếu tố cần, nhưng chưa đủ mà  phải có sự nghiêm khắc của luật pháp.

Phương Thảo