Vụ đôi nam nữ rơi xuống sông vì cầu phá dỡ: "Chật vật" truy trách nhiệm!

(Dân trí) - Ông Trần Quốc Bảo, đại diện chủ đầu tư, khẳng định các thủ tục đảm bảo công tác an toàn lao động đầy đủ, công trường có tư vấn giám sát; nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Cho đến thời điểm này vẫn chỉ có thể nói "trách nhiệm nằm ở đâu đó".

Chủ đầu tư kiểm điểm và rút kinh nghiệm

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Huy Thăng – Tổng Giám đốc Ban quản lý các dự án Đường thủy, Bộ GTVT (gọi tắt là BQL) cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã kiểm tra, rà soát lại quy định, thủ tục, kiểm tra hiện trường về công tác đảm bảo an toàn trong quá trình thi công tháo dỡ cầu tạm An Thạnh và các hoạt động liên quan để làm rõ sự việc, trách nhiệm của cá nhân, bộ phận liên quan.

Ông Thăng nói: “Sự việc đáng tiếc đã xảy ra và chắc chắn phải có trách nhiệm ở đâu đó và phải làm rõ theo quy định của pháp luật. Ở đây không trực tiếp xảy ra tai nạn trong quá trình thi công mà xảy ra trong quá trình tháo dỡ một hạng mục có liên quan. Sự cố này liên quan đến hoạt động dân sinh xảy ra vào buổi tối, trời mưa và có đơn vị vào thi công nên phải xác định trách nhiệm liên đới. BQL đã báo cáo vụ việc này đã được báo cáo lên Bộ GTVT”.

Hiện trường vụ tai nạn
Hiện trường vụ tai nạn

Ông Thăng cho biết thêm, BQL cũng có kiểm tra hiện trường thi công, nhắc nhở. Tuy nhiên, quá trình thi công có xảy ra sai sót, về trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc này sẽ được xử lý theo quy định pháp luật. Sau sự cố này, BQL sẽ làm rõ nhiều vấn đề để rút kinh nghiệm cho nhiều công trình sau này.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Bảo – Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ GTVT, nói: “BQL đã họp kiểm điểm trách nhiệm và rà soát những thủ tục. Các thủ tục đảm bảo công tác an toàn thi công trường đầy đủ, có tư vấn giám sát. Tuy nhiên, việc để xảy ra tai nạn là không thể chấp nhận được. Sự việc đang được cơ quan công an tiến hành điều tra”.

Ông Bảo cho biết thêm, theo báo cáo của nhà thầu thi công – Công ty xây dựng Thế Toàn, cầu tạm đang tháo dỡ là cầu đôi. Chiều hướng từ Thạnh An về Bến Lức đã tháo xong. Còn ở chiều ngược lại đã tháo dỡ được một nửa. Hàng rào của công trường cách cầu mới An Thạnh 40 m. Tối xảy ra vụ việc, trước hàng rào lưới B40 có chiếc xe cẩu nhưng sau đó chiếc xe cẩu được điều đi.

Bảo vệ công trường có nhắc là rào lưới lại, tuy nhiên có rào hay không thì không biết. Nhưng khi xảy ra vụ việc thì thấy hàng rào đổ. Theo ông Bảo, Công an huyện Bến Lức đến lập biên bản hiện trường, lấy lời khai nhân chứng, bà con xung quanh, kể cả người bị nạn. Công an cũng yêu cầu tiếp tục tháo dỡ cầu tạm để đảm bảo tiến độ.

Ông Bảo nói: “Để xảy ra tai nạn thì trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu thi công và tư vấn giám sát. BQL là chủ đầu tư cũng có trách nhiệm liên đới. Còn trách nhiệm tới đâu thì chờ điều tra xong mới rõ. Cho dù công trình có rào chắn và đầy đủ các biện pháp về an toàn an toàn lao động nhưng khi xảy ra tai nạn vẫn phải chịu trách nhiệm chứ không thể chối bỏ. Chuyện xui rủi hay bất cẩn thì để công an điều tra và kết luận”.

Dù bị nhắc nhở, đơn vị thi công vẫn không dựng rào chắn

Trong khi đó, ông Phùng Văn On – Phó Ban An toàn giao thông tỉnh Long An, cho biết sáng hôm sau khi xảy ra vụ tai nạn, tại khu vực thi công tháo dỡ cầu tạm vẫn không lắp rào chắn, biển cảnh báo người đi đường. Đơn vị thi công cũng nhiều lần bị nhắc nhở về công tác đảm bảo an toàn. Ban ATGT tỉnh đã có báo cáo đến cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.

Còn ông Đặng Hoàng Tuấn – Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, cho biết, trước khi xảy ra sự việc đôi nam nữ chạy vào cầu tạm rồi rơi xuống sông,  đơn vị tháo dỡ cầu là Công ty TNHH TMXD Thế Toàn (quận Bình Thạnh, TPHCM), cũng đã bị Đội Thanh tra giao thông số 6 lập biên bản, nhắc nhở vì không thực hiện bảo đảm an toàn khi thi công tháo dỡ cầu tạm.

 

Biên bản vi phạm an toàn giao thông của công ty Thế Toàn (ảnh H.P)
Biên bản vi phạm an toàn giao thông của công ty Thế Toàn (ảnh H.P)

Theo ông Tuấn, ngày 9/9 cầu mới An Thạnh thông xe thì ngày 10/9, đơn vị trên bị lập biên bản vì không thực hiện bảo đảm ATGT khi tháo dỡ cầu tạm. Đội thanh tra giao thông số 6 lập cũng yêu cầu công ty Thế Toàn phải đặt rào chắn hai bên đầu cầu tạm không cho người qua lại.

Theo quy định, sau khi lập biên bản 7 ngày nếu đơn vị thi công không thực hiện các biện pháp khắc phục thì Thanh tra giao thông sẽ ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, chưa kịp ra quyết định xử phạt thì đêm 20/9 đã xảy ra tai nạn.

Như vậy, thông tin do Ban ATGT tỉnh Long An, Thanh tra Sở GTVT Long An cung cấp hoàn toàn khác với báo cáo của đơn vị thi công. Còn chủ đầu tư cũng cho rằng thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở công tác đảm bảo an toàn công trường. Vậy cái chết thương tâm của chị Võ Hoàng Anh Thư là do sự thiếu trách nhiệm trong vấn đề đảm bảo an toàn công trường tháo dỡ cầu tạm An Thạnh hay là sự xui rủi, bất cẩn của nạn nhân?

Có dấu hiệu hình sự

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Công ty Luật Đức Chánh), nếu đúng là công trình tháo dỡ cầu tạm An Thạnh không hề có biển báo, rào chắn,… để cảnh báo người tham gia giao thông thì đơn vị thi công mà cụ thể là những cá nhân có trách nhiệm trong việc thi công công trình này đã có dấu hiệu tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật hình sự.

“Theo hướng dẫn tại  khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 thì hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật hình sự là một trong các hành vi sau: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa”- Luật sư Nguyễn Đức Chánh nói.

Ở đây người có trách nhiệm trong việc sửa chữa, quản lý việc thi công tháo dỡ cầu tạm An Thạnh không chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn có thể bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong việc gây ra tổn thất về tính mạng và tài sản.

Theo luật sư Chánh, việc bồi thường thiệt hại gồm các chi phí hợp lý cho việc mai táng (hương, nến, hoa, xe tang và các khoản phí phục vụ chôn cất hoặc hỏa táng…), khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết (nếu có). Ngoài ra, bên có lỗi còn phải bồi thường khoản tiền bồi đắp tổn thất tinh thần.

Quốc Anh

Vụ đôi nam nữ rơi xuống sông vì cầu phá dỡ: "Chật vật" truy trách nhiệm! - 3