Đồng Tháp:

Vụ doanh nghiệp trồng sen, nuôi sinh vật lạ: Người Trung Quốc dạy kỹ thuật?

(Dân trí) - Người dân sống gần Công ty Sen Hoàng Giang cho rằng trước đây họ từng thấy và bắt được vài con tôm hùm đỏ ở ao của công ty này nhưng nay không thấy nữa. Về việc 2 người Trung Quốc ăn ở tại công ty, phiên dịch viên cho biết họ sang để dạy về kỹ thuật trồng sen.

Liên quan đến vụ nghi vấn Công ty TNHH Sen Hoàng Giang (tọa lạc tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) "xúi" dân phá lúa trồng sen, nuôi sinh vật lạ, chị Hồ Thị Phụng, nhà đối diện với nhà xưởng công ty này, cho biết, đất ông Trần Văn Hòa (Giám đốc Công ty TNHH Sen Hoàng Giang) thuê là đất trống và là vùng đất mới, độ phèn cao nên sản xuất lúa mấy năm qua không có hiệu quả. Khi ông Hòa vào thuê vùng đất này là có lợi cho bà con.

Người dân kể về việc bắt tôm hùm đỏ quanh khu vực nhà xưởng công ty TNHH Sen Hoàng Giang

Xung quanh thông tin ông Hòa thả nuôi sinh vật ngoại lai (tôm hùm đỏ), con gái bà Phụng cho biết, trước đây người dân đã từng nhìn thấy và bắt được con tôm này nhưng từ sau lần chính quyền đến tát ao, bắt tôm tiêu hủy, đến nay không còn thấy nữa.

Khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang do ông Trần Văn Hòa làm giám đốc
Khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang do ông Trần Văn Hòa làm giám đốc

Ông Nguyễn Văn Hồng (sống phía sau nhà xưởng của ông Hòa) cho biết: "Trong một lần thăm ruộng, tôi và đứa con bắt được 3 con vật lạ giống con tôm nhưng có phần hung dữ hơn con tôm, chưa biết là con gì. Sau đó, chính quyền xã đến xem và cho biết con này là con tôm hùm đỏ, trước đây đã tiêu hủy gần cả 100 con do ông Hòa thả nuôi. Sau đó chính quyền xã đến yêu cầu ông Hòa tát ao, bắt hết tôm tiêu hủy.

Về đặc tính và hình dáng bên ngoài của loại tôm ông Hòa thả nuôi, ông Hồng nhận định, con tôm có lớp vỏ cứng và nổi bông đỏ, đẹp mắt. Tuy nhiên con vật này có phần hung dữ, khi gặp người là giương hai càng to lên. Riêng thông tin tôm phá lúa, ông Hồng chưa chứng kiến.

Ông Nguyễn Văn Hồng chỉ nơi ông bắt được mấy con tôm hùm đỏ tại ruộng lúa sau khu vực nhà xưởng Công ty Sen Hoàng Giang
Ông Nguyễn Văn Hồng chỉ nơi ông bắt được mấy con tôm hùm đỏ tại ruộng lúa sau khu vực nhà xưởng Công ty Sen Hoàng Giang

Về thông tin những người Trung Quốc xuất hiện tại nhà xưởng công ty Sen Hoàng Giang, ông Hồng cho biết, sau khi ông Hòa hoàn thành việc xây nhà xưởng, có hai người Trung Quốc đến sinh sống nhưng không liên tục. Thời gian họ ở tại nhà xưởng trên một tháng, sau đó về quê ăn Tết cho đến nay. Ông Hồng nhận xét hai người Trung Quốc này sống vui vẻ, hòa đồng với bà con và qua người phiên dịch, hai người Trung Quốc nói sang đây để hỗ trợ ông Hòa về kỹ thuật trồng sen.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Đúa Em - Phó Trưởng Công an xã Tân Hội Trung - cho biết, qua kiểm tra, khoảng tháng 3/2016, công an xã phát hiện có 3 người Trung Quốc sinh sống tại gia đình ông Đinh Văn Út (1 người dân chủ yếu sống ở Hà Nội) nên đã báo cáo về huyện. Sau đó công an huyện mời những người Trung Quốc này đến làm việc; hướng dẫn họ bổ sung giấy tờ tùy thân hợp lệ. Sau khi những người Trung Quốc này về nước bổ sung giấy tờ, đã được Phòng Xuất nhập cảnh công an tỉnh cho phép tạm trú.

Qua tìm hiểu của PV Dân trí, trên địa bàn ấp 6, ông Hòa thuê 3 khu đất cách nhau khoảng 2km. Khu 1 tại nhà ông Đinh Văn Út, tổng diện tích 4,5ha, thời gian thuê 3 năm. Toàn bộ khu đất này được ông Hòa trồng sen nhưng đã chết hết, hiện đang để trống. Cũng tại khu đất này, ông Hòa từng giao cho ông Út thả nuôi 4kg tôm hùm đỏ.

Khu đất 2 là khu vực nhà xưởng (đối diện nhà bà Phụng), diện tích khoảng 3.000 m2, thuê trong thời gian 15 năm. Tại một ao ở khu đất này, cơ quan chức năng phát hiện và tiêu hủy 18 con tôm hùm đỏ.

Khu đất thứ 3 cách khu vực nhà xưởng khoảng 2km, tổng diện tích thuê khoảng 20ha dùng để trồng sen nhưng hiện cũng đang để trống.

Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp - nhận định, tôm hùm đỏ là loài ngoại lai, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Đây là loài ăn tạp có nguy cơ không tốt cho ngành nông nghiệp. Còn những thông tin cho rằng tôm hùm đỏ nguy hại như ốc bươu vàng, chuyển thể bò lên ngọn cây thì ông không biết.

Riêng về khả năng sinh sản, ông cũng chưa biết và đến nay ngành chức năng và người dân chưa phát hiện thêm tôm con. Từ cuối tháng 12/2016 đến nay cũng không bắt thêm được con tôm nào nữa.

Nguyễn Hành