1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia Lai:

Vụ dân vây bắt lâm tặc: Rừng bị phá không liên quan đến... kiểm lâm (!?)

(Dân trí) - Sau khi người dân có bằng chứng về việc rừng liên tục bị chặt phá, các cơ quan kiểm lâm ở huyện Chư Păh (Gia Lai) lại cho rằng, trách nhiệm thuộc về người dân và UBND xã Hà Tây.

Theo người dân làng Kon Sơ Lă, điều khiến họ bức xúc nhất là từ khi trạm bảo vệ rừng của kiểm lâm được xây dựng ở khu vực làng cũ (đường vào cửa rừng), lâm tặc lại chuyển sang vận chuyển gỗ bằng đường này. Cứ 2-3 ngày lại có vài xe gỗ chuyển từ trong rừng ra vào rạng sáng nhưng lực lượng kiểm lâm không hề có động thái ngăn cản nào. Không chỉ vậy, ở đầu đường vào xã Hà Tây cũng có một trạm bảo vệ rừng nhưng các xe gỗ lậu của lâm tặc vẫn điềm nhiên vận chuyển gỗ đi qua.

Rạng sáng ngày 18/4, hàng trăm người dân Kon Sơ Lă đã phục kích, dựng “chiến lũy” và bắt được 2 xe chở gỗ lậu. Theo người dân, đến khoảng 10h sáng cùng ngày, một thầy giáo tên Boy đang dạy ở trường Tiểu học xã Hà Tây đến nhận là chủ nhân 2 xe gỗ và đưa giá 5 triệu tiền chuộc nhưng người dân quyết từ chối.

Sau khi bắt được số gỗ trên, các thanh niên trong làng đã thay nhau canh giữ và báo cáo lên chính quyền xã. Khi lực lượng kiểm lâm huyện Chư Păh đến làng lập biên bản và yêu cầu mang số gỗ này đi, các thanh niên trong làng không đồng ý. “Gỗ là do dân làng khổ công bắt được, kiểm lâm giữ rừng nhưng đã không làm gì. Chúng tôi muốn giữ làm bằng chứng, nếu bên Viện Kiểm sát đến mang đi và phải mang vụ việc ra xử thì chúng tôi mới đồng ý, còn chúng tôi sẽ không giao gỗ cho kiểm lâm”, một thanh niên làng Kon Sơ Lă bức xúc nói.

Người dân làng Kon Sơ Lă đi tuần tra và phát hiện lâm tặc mới đốn hạ cây gỗ lớn này.
Người dân làng Kon Sơ Lă đi tuần tra và phát hiện lâm tặc mới đốn hạ cây gỗ lớn này.

Ông Đinh Sứk- Chủ tịch UBND xã Hà Tây, cũng khẳng định, rừng bị phá rất nhiều. Đầu năm 2015, xã được huyện giao bảo vệ 3.000 ha rừng thuộc tiểu khu 185. Xã liên tục tổ chức lên rừng tuần tra và lần nào cũng phát hiện lâm tặc đang phá rừng. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, sóng điện thoại không có trong khi các đối tượng phá rừng rất manh động, có thể có vũ khí nóng, nên đội tuần tra phải quay về. “Chúng tôi đã báo cáo rất nhiều về tình trạng phá rừng, bản thân tôi cũng rất bức xúc vì rừng bị phá rất nhiều nhưng không làm được gì”, ông Sứk cho biết.

Ngày 20/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Cư - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Păh, thoái thác: khu vực rừng bị phá có thể thuộc trách nhiệm của UBND xã hoặc Ban quản lý rừng phòng hộ Đông bắc Chư Păh. UBND huyện đã giao cho UBND xã quản lý thì xã phải chịu trách nhiệm với huyện.

PV thắc mắc: Kiểm lâm là lực lượng chính được nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp giữ rừng, được đào tạo về chuyên môn, được cấp vũ khí và được trả lương để bảo vệ rừng. Khi rừng bị phá, lẽ nào kiểm lâm không có trách nhiệm?

Ông Cư phân trần: UBND xã phải chịu trách nhiệm với huyện và tỉnh. Hạt Kiểm lâm có nhiệm vụ tham mưu cho huyện nhưng để xảy ra tình trạng trên, Hạt Kiểm lâm sẽ cùng với xã chịu trách nhiệm!

Trước sự việc trên, PV Dân trí liên lạc với ông Nguyễn Quốc Thuận - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Đông bắc Chư Păh, ông Thuận cho rằng khu vực rừng bị phá thuộc quản lý của UBND xã Hà Tây nên ông từ chối làm việc.

Chiều ngày 21/4, ông Cư trao đổi thêm, sau khi đi kiểm tra trên rừng và thống kê số lượng cây bị chặt hạ, phát hiện có thân, ngọn cây bị chặt phá và khu vực này thuộc sự quản lý của Đông bắc Chư Păh. Do trời mưa nên đoàn vẫn chưa thể đi kiểm tra được nhiều.

Thiên Thư