Vụ bồi thường ông Nén 10 tỷ đồng: Cán bộ làm sai phải hoàn trả bao nhiêu?

(Dân trí) - "Người liên quan đến trách nhiệm hoàn trả không hẳn chỉ là những người bị truy tố. Tất nhiên nếu bị truy tố thì sẽ bị hoàn trả nhiều. Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp này sẽ được căn cứ vào mức vô ý, cố ý; có những người bị truy tố hình sự, có người vô ý, chỉ bị phạt cảnh cáo,... thì mức độ hoàn trả khác nhau".

Ông Trần Việt Hưng- Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân trí sau khi ngân sách nhà nước phải chi ra hơn 10 tỷ đồng đề bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận).

Ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp (Ảnh: T.K)
Ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp (Ảnh: T.K)

- Những ngày qua dư luận rất quan tâm trước việc Bộ Tài chính đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm xác định trách nhiệm hoàn trả của cán bộ gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, khiến ngân sách nhà nước phải bỏ ra trên 10 tỷ đồng bồi thường oan sai. Theo quy định hiện hành, cơ quan nào phải chủ trì việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của những cán bộ đã gây ra oan sai cho ông Nén, thưa ông?

- TAND tỉnh Bình Thuận sẽ là cơ quan phải thành lập hội đồng xác định trách nhiệm hoàn trả của những cán bộ liên quan đến việc ngân sách vừa phải bồi thường cho ông Nén 10 tỷ đồng. Hội đồng sẽ xem xét, đánh giá lỗi thuộc giai đoạn điều tra truy tố hay xét xử. Khi xác định được lỗi ở giai đoạn nào thì có văn bản đề nghị cơ quan đó hoàn trả. Từ đó sẽ xác định lỗi làm sai thuộc về điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm phán.

Việc tính toán mức hoàn trả được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC giữa Bộ Tư pháp, TAND Tối cao và VKSND Tối cao hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

- Nhưng hiện nay Cơ quan điều tra hình sự VKSND Tối cao vẫn đang làm rõ dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tư pháp đối với những cán bộ liên quan đến việc gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Nếu có những cán bộ bị khởi tố thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong việc hoàn trả tiền bồi thường cho ông Nén?

- Người liên quan đến trách nhiệm hoàn trả không hẳn chỉ là những người bị truy tố. Tất nhiên nếu bị truy tố thì sẽ bị hoàn trả nhiều. Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp này sẽ được căn cứ vào mức vô ý, cố ý; có những người bị truy tố hình sự, có người vô ý, chỉ bị phạt cảnh cáo,... thì mức độ hoàn trả khác nhau.

Tuy vậy trách nhiệm hoàn trả theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện hành chỉ một vài người, Thông tư liên tịch 04 đã quy định khá “mở” rồi nhưng không thể vượt quá khung pháp lý của Luật được. Đây cũng là bất cập sẽ được chúng tôi khắc phục trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận tới đây.


Ông Huỳnh Văn Nén và vợ.

Ông Huỳnh Văn Nén và vợ.

- Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Tôi phải nói thế này. Việc hoàn trả cũng muốn rõ ràng lắm, nhưng luật quốc tế cũng có trách nhiệm hoàn trả nhưng không bao giờ thực hiện cả. Về phía mình thì muốn đó là sự răn đe với công chức thực thi công vụ, nhìn vào đó để không cố ý làm trái pháp luật, gây oan sai nữa mà thôi.

Trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội sẽ đề xuất mức hoàn trả cảo hơn, quy trình xử lý trách nhiệm hoàn trả này chặt chẽ hơn. Hiện nay mức hoàn trả cao nhất là 36 tháng lương, tức là vào khoảng mấy trăm triệu đồng chẳng hạn thì tới đây đề xuất mức hoàn trả cao nhất lên tới 50 tháng lương, có thể cao hơn nữa.

- Báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước do Bộ Tư pháp thực hiện cho thấy số tiền nhà nước phải bồi thường thiệt hại lên tới trên 111 tỷ đồng nhưng chỉ có 22 vụ việc được xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi công vụ sai. Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Ông có lo ngại điều này lặp lại trong sự việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ trong vụ ông Huỳnh Văn Nén?

- Việc này xuất phát từ quy định những người nào bị vi phạm trong lĩnh vực tố tụng hình sự thì chỉ “cố ý” mới phải hoàn trả, còn trong lĩnh vực khác thì cố ý hay vô ý đều phải hoàn trả hết.

Chính vì trong lĩnh vực hình sự quy định xác định được lỗi cố ý của người thực thi công vụ mới phải hoàn trả nên việc làm rõ được điều này rất khó khăn. Trong mấy năm vừa rồi không có vụ nào trong lĩnh vực hình sự hoàn trả cả.

Đến thời gian vừa rồi sau khi có vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn, bồi thường 7,2 tỷ đồng và khởi tố một số cán bộ liên quan thì việc này mới được làm thôi. Tuy nhiên theo luật tới đây thì dù lỗi cố ý hay vô ý đều phải hoàn trả hết.

- Xin cảm ơn ông!

Như Dân trí đã phản ánh, ông Huỳnh Văn Nén được TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường trên 10 tỷ đồng cho quãng thời gian ngồi tù oan hơn 17 năm trời. Trong đó có 5,3 tỷ cho thiệt hại do tổn thất về tinh thần, 2,3 tỷ đồng tổn hại về sức khỏe, 1,2 tỷ đồng thu nhập thực tế bị mất và 1,2 tỷ đồng cho các thiệt hại khác.

Mới đây Bộ Tài chính đã thống nhất bổ sung dự toán năm 2017 của TAND Tối cao trên 10 tỷ đồng từ nguồn chi quản lý hành chính ngân sách Trung ương năm 2017 đã được Quốc hội phê duyệt để TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai cho ông Nén. Số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của người thân ông Nén.

Thế Kha (thực hiện)