Nam Định:

Vụ bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc: Xã làm theo “lệnh” cấp tỉnh, huyện?

(Dân trí) - Liên quan đến việc cán bộ vận động người dân bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc tại xã Nghĩa An (huyện Nam Trực, Nam Định), chính quyền xã này thừa nhận và cho biết việc vận động người dân là làm theo "lệnh cấp trên".

Người dân xã Nghĩa An tập trung phản đối việc bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc thành lập dự án.
Người dân xã Nghĩa An tập trung phản đối việc bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc thành lập dự án.

Liên quan đến sự việc nhiều hộ dân ở các xóm 21, 22 và 24 (thôn Bái Hạ, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, Nam Định) nhiều tháng qua vô cùng bất bình về việc cán bộ xã đến vận động người dân bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất giày, phía chính quyền xã Nghĩa An thừa nhận có việc đến nhà dân vận động bán đất nhưng khẳng định đây là xã làm theo "lệnh" và không hề có việc ép buộc dân.

Chiều ngày 27/9, phóng viên báo Dân trí đã trao đổi với ông Phạm Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, xung quanh sự việc này.

Ông Hoạt thừa nhận, phía chính quyền địa phương và các cán bộ xã có đến nhà dân vận động nhận tiền của doanh nghiệp, trả lại đất cho nhà nước để cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Theo ông Hoạt, việc vận động chỉ diễn ra vào tháng 6 chứ không phải tháng 3/2016.

Ông Hoạt cho biết: “Đúng là chúng tôi có đến vận động người dân nhận tiền của doanh nghiệp nhưng chúng tôi thực hiện theo chủ trương của cấp trên là của tỉnh và của huyện. Chúng tôi không hề ép buộc người dân phải bán đất. Việc vận động này diễn ra từ tháng 6, sau khi có văn bản về đồng ý chủ trương cho xây dựng nhà máy, chứ không phải tháng 3”.

Ông Phạm Văn Hoạt làm việc với phóng viên Dân trí với chiếc điện thoại lúc nào cũng lăm lăm trên tay.
Ông Phạm Văn Hoạt làm việc với phóng viên Dân trí với chiếc điện thoại lúc nào cũng lăm lăm trên tay.

Khi được hỏi về việc, người dân phản ánh việc chính quyền chưa tổ chức họp dân thì đã thông báo cho người dân đến nhận tiền của doanh nghiệp, ông Hoạt cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức họp dân rồi nhưng mới chỉ họp ở xóm 21, còn xóm 22 và 24 sau đấy người ta ùa lại thành một hội nghị nên nên không họp được nữa…”.

Về việc xã vận động đảng viên phải bán đất trước để làm gương, ông Hoạt nói: “Dự án này chúng tôi được UBND tỉnh mời lãnh đạo xã Nghĩa An lên họp 3 lần, sau đấy huyện Nam Trực mời chúng tôi lên họp 3 lần thống nhất về chủ trương. Chúng tôi thực hiện đúng theo chủ trường của tỉnh và huyện về họp Đảng ủy. Sau đấy chúng tôi họp các chi bộ, thống nhất các chủ trương. Các chi bộ lại triển khai đến người dân để tuyên truyền vận động. Vì vậy không có chuyện chúng tôi ép ai bán cả”.

Theo ông Hoạt, hiện nay còn khoảng 76 hộ dân chưa bán đất trong số 265 hộ dân có đất trong khu vực làm dự án. Ông Hoạt thừa nhận, việc bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc có làm tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn nóng lên, khi người dân chia làm 2 phía, một phía đồng ý bán, một phía kiên quyết giữ ruộng.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cũng khẳng định, đất khu vực vận động thu hồi là đất tốt. Hiện chưa có quyết định thu hồi đất với người dân.

Về thông tin có cán bộ xã nói rằng: “Nếu không bán đất cho doanh nghiệp thì sẽ bị Nhà nước thu hồi không được đền bù”, ông Hoạt cho biết, có nghe thông tin nhưng phía UBND xã chưa kiểm tra.

Không cần thoả thuận với người dân, doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra mức giá đền bù thu hồi đất cho các hộ dân.
Không cần thoả thuận với người dân, doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra mức giá đền bù thu hồi đất cho các hộ dân.

Về phía người dân xã Nghĩa An, theo ông Lê Văn Nông, đại diện người dân xóm 24 khẳng định: “Ngay từ tháng 3, phía UBND xã đã thông báo trên loa truyền thanh về việc vận động người dân bán đất, chứ không phải đến tháng 6 mới vận động người dân trả lại đất cho Nhà nước, nhận tiền doanh nghiệp”.

Người dân xã Nghĩa An cũng cho biết, nguồn sử dụng đất khu vực thôn Bái Hạ mà dự án doanh nghiệp Trung Quốc muốn xây dựng được giao cho người dân sử dụng ổn định lâu dài với thời hạn sử dụng đất được xác định theo Luật Đất đai năm 2013 là 50 năm, đến 31/12/2063.

Mặc dù chưa tổ chức họp dân xong, cũng chưa có giấy thu hồi đất, nhưng phía chính quyền địa phương lại liên tục hối thúc người dân bằng loa phát thanh, gửi văn bản yêu cầu người dân tới trụ sở xã để nhận tiền hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất trồng lúa cho Cty Bunda Footwear.

Qua điện thoại, phóng viên Dân trí đã đặt lịch làm việc với ông Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, tuy nhiên ông Tự cho biết ông đang bận họp và sẽ thông tin sau. Còn vị Chủ tịch huyện Nam Trực hẹn lịch làm việc với phóng viên Dân trí vào tuần tới.

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc về vụ việc này.

Đức Văn – Tuấn Hợp